• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

KĐT Văn Khê: Ai đứng sau chủ đầu tư?

Quyền lợi chính đáng của khách hàng đang bị xâm phạm nghiêm trọng"; "Trách nhiệm ở đây thuộc về Sở Xây dựng, vì không kiểm tra, giám sát xem giấy phép mình cấp được chủ đầu tư thực hiện như thế nào"…
Đó là ý kiến của luật sư và chuyên gia ngành xây dựng về những bất ổn tại KĐT Văn Khê.

Lỗi thuộc Sở Xây dựng

"Cái này phải hỏi "tội" của Sở Xây dựng vì họ không giám sát chặt chẽ các dự án. Sở này có hẳn cả một bộ phận thanh tra xây dựng để làm việc đấy mà không làm thì đơn vị được cấp phép muốn làm bậy thế nào cũng được. Những hiện tượng tương tự phải xử lý nghiêm, tránh tình trạng nhận khuyết điểm rồi… cho qua".(Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam).

Xung quanh những thông tin được phản ánh về tình hình bất ổn tại KĐT Văn Khê - Hà Đông do Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (CPSĐ-TL) làm chủ đầu tư, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, trước việc hàng loạt công trình công cộng tại KĐT này bị "hô biến", ông Liêm cho rằng: "Nếu chủ đầu tư được cấp phép chuyển đổi từ quỹ đất vốn được quy hoạch làm công trình công cộng đã được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/500 thì cái sai thuộc về đơn vị cấp phép. Luật Nhà ở đã quy định rõ, trong các KĐT mới, bên cạnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm điện, đường, công viên, cây xanh còn buộc phải có cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, y tế, cơ sở thương mại... Còn trong trường hợp chủ đầu tư không được cấp phép nhưng vẫn chuyển đổi thì đây là hành vi phạm luật".

Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, trong quy hoạch 1/500, khu CX1, công ty CPSĐ-TL được phép xây nhà điều hành công ty, sân chơi thể thao, hồ nước, cây xanh... Cách đây không lâu công ty này đã làm xong hồ nước nhưng nay đã cho đổ đất lấp bằng.

Trên khu đất này, công ty CPSĐ-TL chỉ chừa lại 1 phần hồ nhỏ để làm đài phun nước, phần lớn diện tích còn lại dùng để xây nhà điều hành, trồng cây và có ý định làm sân bóng mini. Trước sự "thay hình, đổi dạng" này, ông Liêm khẳng định: "Trên quy hoạch chi tiết 1/500, đơn vị cấp phép đã chỉ rõ cho chủ đầu tư được làm những cái gì, diện tích là bao nhiêu. Dù là hồ nước chuyển sang trồng cây thì cũng phải được cấp phép".

Tham bát, bỏ mâm

Còn tại khu CX2, theo Quyết định số 1513/QĐ-UBND ngày 21/8/2007 của TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu nhà ở Văn Khê nêu rõ: "Lô đất cây xanh hạ tầng kỹ thuật ký hiệu CX2 (diện tích 0,3044 ha) chuyển một phần thành lô đất xây dựng công trình hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp nhà chung cư (ký hiệu TM, diện tích 2.163m²) và phần còn lại là đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật (ký hiệu là CX2, diện tích 881m²). Như vậy, khu CX2 chỉ được chuyển đổi một phần, phần còn lại vẫn là đất trồng cây xanh nhưng theo phản ánh của người dân và theo quan sát trên thực địa, quỹ đất CX2 hiện không còn. Về việc này, ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định: "Họ đã làm sai giấy phép.

Việc xây thêm nhà tức là đã làm tăng mật độ xây dựng. Khi tăng mật độ xây dựng thì đồng thời cũng phải tăng mật độ cây xanh tương xứng. Nhu cầu đời sống của con người không thể thiếu các yếu tố trên. Việc anh chuyển đổi như trên ngoài vi phạm giấy phép còn cho thấy anh... dại. Dại vì, khi anh có đầy đủ công trình phụ trợ, công viên cây xanh thì chất lượng, điều kiện sống sẽ cao hơn, giá nhà dĩ nhiên sẽ đắt hơn. Cách đây không lâu, khi tôi sang Hongkong, trong một khu phố có một khu vườn con con, xung quanh là nhà cao tầng. Họ giới thiệu cho tôi giá của khu gần vườn có cây xanh đắt hơn nhiều so với khu kế bên cho dù 2 khu kiến trúc giống hệt nhau. Người ta bỏ tiền làm vườn nhưng vẫn thu được tiền về, còn đằng này anh chỉ muốn siêu lợi nhuận, vừa tăng giá nhà, vừa không có đất để làm công trình công cộng cho dân".

Dân có quyền khởi kiện

Đây là khẳng định của luật sư Nguyễn Mạnh Bùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ông Bùng cho rằng: "Người dân đáng lý được hưởng các lợi ích công cộng nhưng trong trường hợp này, họ đã bị "cắt xén". Nếu chủ đầu tư được cấp phép thì cơ quan cấp phép sai luật. Khi phê duyệt, cơ quan cấp phép đã chỉ rõ, ở đây là công viên, cây xanh thì khi xây dựng xong phải là công viên, cây xanh. Anh không thể "hô biến" công viên thành các hạng mục khác, hoặc xây nhà bán. Thường thường các chủ đầu tư hay trình bày các lý do nhưng khi đã thể hiện trên quy hoạch 1/500 thì họ chỉ được phép thay đổi về kỹ thuật chứ tuyệt nhiên không được thay đổi về hình thể, cấu trúc cảnh quan. Trong lĩnh vực xây dựng buộc như thế. Đây là anh đang xâm phạm quyền lợi của người dân. Đáng lý ra phải có hồ nước để người dân hưởng không khí trong lành, hưởng cảnh quan thiên nhiên nhưng giờ họ mở mắt ra thì gặp ngay.. nhà cao tầng".

Về góc độ chuyên môn, ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng: "Về phía khách hàng, nhiều người thấy có hồ nước thì họ mới mua. Ở đây người dân có quyền khởi kiện. Mặt khác, nếu người dân vẫn chấp nhận ở đó thì chủ đầu tư buộc phải hạ giá nhà, trả lại tiền. Ngày xưa khi tính tiền, anh tính tiền cả vị trí mà dân mua, giờ anh không làm hồ nước, không trồng cây xanh mà xây toàn nhà thì có hợp lý không?".

Những ý kiến nói trên cũng khiến dư luận bức xúc: Phải chăng, có ai đó đã "che chắn" cho những việc làm của chủ đầu tư?

(Theo giadinh.net)


  • 0
  • By Admin
  • 25/04/2011
  • 17