Huyện Sóc Sơn, Hà Nội: Đất hành lang giao thông cũng bị bán
Liên tục cấp đất sai quy định
Những ngày vừa qua, hàng chục hộ dân thôn Thạch Lỗi, huyện Sóc Sơn, sinh sống sát quốc lộ 2 vô cùng bức xúc trước việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông, để phục vụ việc mở rộng tuyến quốc lộ huyết mạch này của chính quyền xã Thanh Xuân. Người dân cho rằng, việc giải tỏa của xã đã vi phạm đến đất ở của họ chứ không phải là đất hành lang giao thông. Đồng thời việc hỗ trợ tiền giải tỏa đất là không thỏa đáng, bởi họ cho rằng đất của họ là đất ở được xã cấp, chứ không phải đất hành lang giao thông.Sau khi thực tế tại hiện trường, chúng tôi được biết một phần nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân, là do những năm trước đây chính quyền xã Thanh Xuân đã bán đất cho người dân sinh sống sát quốc lộ 2, và một phần những thửa đất này lại nằm trong chỉ giới hành lang an toàn giao thông của quốc lộ 2. Dù biết là sai, nhưng chính quyền xã vẫn cố tình cấp cho dân.
Nguyên nhân khó khăn việc giải tỏa hành lang để mở rộng Quốc lộ 2, là do việc cấp đất sai trái cho người dân của chính quyền xã Thanh Xuân |
Tại buổi làm việc ngày 25/4 tại trụ sở UBND xã Thanh Xuân, ông Chu Văn Phương - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, đã thừa nhận việc chính quyền xã Thanh Xuân cấp đất sai quy định: Cụ thể là tại quyết định 3175/QĐ-UB ngày 5/8/1989, UBND thành phố đồng ý cho UBND xã Thanh Xuân cấp đất cho các hộ dân, trong quyết định này cũng nêu rõ: Hành lang giao thông trên Quốc lộ 2 đoạn qua thôn Thạch Lỗi có hành lang bảo vệ Hệ thống đường Quốc lộ là 20m tính từ mép đường. Nhưng vào năm 1989, khi bán đất cho 37 hộ dân, UBND xã Thanh Xuân đã sai phạm khi chỉ xác định đất lưu không của hành lang Quốc lộ 2 là 15m tính từ... tim đường.
Sai phạm về cấp đất cho người dân không dừng lại ở đây, khi một lần nữa vào năm 1991, UBND xã Thanh Xuân tiếp tục cấp đất cho 47 hộ dân thôn Thạch Lỗi, và lần này xã lại xác định đất lưu không hành lang Quốc lộ 2 là 20m tính từ tim đường. Chính từ sai phạm nghiêm trọng này của chính quyền xã Thanh Xuân, mà hiện nay không ít hộ dân thuộc thôn Thạch Lỗi đang phải gánh chịu hậu quả khi phần đất nằm trên hành lang giao thông chỉ được nhận tiền hỗ trợ với giá 50.000 đồng/m2 khi bị thu hồi hàng trăm mét vuông đất, mà họ đã mua hợp pháp từ UBND xã Thanh Xuân.
“Quýt làm, cam chịu”!
Nguồn gốc đất của các hộ dân trong diện bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thi công Quốc lộ 2 đều hợp pháp do mua lại đất ở xã Thanh Xuân bán từ những năm 1989 đến 1991. Số tiền các hộ dân phải nộp có đầy đủ phiếu thu của UBND xã với nội dung thu tiền đất ở. Nhưng nay theo “cách tính” của UBND xã Thanh Xuân trình UBND huyện Sóc Sơn thì hầu hết các diện tích đất đã cấp cho dân lại là đất hành lang giao thông. Diện tích đất hiện nay các hộ dân tại thôn Thạch Lỗi đang sử dụng là đất được xã giao từ trước khi Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực, nhưng nay đang bị cho là đất lấn chiếm gây thiệt hại rất lớn cho các hộ dân.Nguyên nhân của việc này, theo đại diện các hộ dân là ông Nguyễn Xuân Đào nguyên cán bộ xã Thanh Xuân những năm 1970-1980 cho biết: Trước năm 1995, QL2 đoạn qua thôn Thạch Lỗi có chiều rộng mặt đường chỉ là 06m, hai bên đường là đất của các hộ dân được UBND xã Thanh Xuân giao và bán trong giai đoạn 1982-1992, sau đó hầu hết các hộ dân tại đây đã xây dựng nhà kiên cố từ 1 đến 3 tầng. Đến năm 1995 QL2 được mở rộng từ 6m thành 16m bằng cách mở rộng mỗi bên 3m. Và từ đó đến này, QL2 đoạn qua thôn Thạch Lỗi có chiều rộng mặt đường là 12m hai bên đường tiếp giáp với đất của các hộ dân. Bên cạnh đó, một trong những tài liệu phóng viên thu thập được đã thể hiện việc làm tắc trách của UBND xã Thanh Xuân, khi tại Biên bản bàn giao mốc giới do xã Thanh Xuân cấp đất cho một trong các hộ dân thuộc thôn Thạch Lỗi từ năm 1992 lại ghi rất chung chung: Phía Bắc giáp đường Quốc Lộ 2 - nhưng không hề ghi khoảng cách giáp đường là bao nhiêu mét.
Mặt khác, theo Công văn số 482/BCD-NVKT của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng UBND thành phố Hà Nội ngày 31/10/2007 gửi UBND huyện Sóc Sơn nêu rõ: “Việc quy định về các hành vi lấn, chiếm đất đã nêu tại Điều 4 Nghị định 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ thì: Lấn đất là việc người đang sử dụng dất tự ý dịch chuyển mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giao, mượn đất mà không trả lại đất".
Đối chiếu quy định này thì các hộ dân đang sử dụng đất giáp đường QL2 thuộc thôn Thạch Lỗi xã Thanh Xuân không hề vi phạm, vì chính UBND xã Thanh Xuân đã cắm mốc và giao bán đất cho dân chứ không phải do họ tự ý lấn chiếm.
Trước đó, tại Công văn số 359/BCĐ-NVKT Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của UBND thành phố Hà Nội cũng khẳng định: “Việc xem xét bồi thường dựa trên cơ sở các loại giấy tờ pháp lý có liên quan đến nguồn gốc đất, mục đích sử dụng đất và bản đồ địa chính, các quyết định của UBND thành phố đã ban hành tại thời điểm giao đất”.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 09/05/2012
- 17