Huyện Quốc Oai-Hà Nội: Một xã, hai dự án treo
Những tưởng cuộc sống bà con nơi đây sẽ khấm khá hơn, nhờ có thêm công ăn việc làm và các hoạt động dịch vụ, thế nhưng, các dự án bị treo hoặc bỏ hoang khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh khó khăn.Ruộng đồng trong quy hoạch nhưng chưa được giải phóng. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Phú Mãn là một xã nghèo thuần nông thuộc miền núi huyện Quốc Oai. Năm 2003, để phục vụ dự án Khu tái định cư Hòa Phú do UBND tỉnh Hà Tây cũ làm chủ đầu tư, người dân 5/6 thôn, xã Phú Mãn đã giao đất nông nghiệp cho chính quyền. Dự án tái định cư Hòa Phú được quy hoạch trên 67 héc-ta để xây dựng nhà ở, nhà máy, công viên cây xanh, trạm xá... phục vụ bà con. Thế nhưng suốt 8 năm qua, dự án chỉ mới san lấp được 20 héc-ta đất canh tác và đưa một công ty may vào hoạt động. Công trình trạm xá xây dựng hoàn thành từ năm 2007, nhưng vẫn bỏ hoang từ đó đến nay. Khi chúng tôi đến, căn nhà 2 tầng đồ sộ lâu ngày không sử dụng đã rêu mốc, xung quanh cỏ mọc um tùm, ngổn ngang vật liệu xây dựng, thành nơi tụ tập của các đối tượng nghiện hút trên địa bàn.
Đáng nói hơn, cuộc sống hàng trăm hộ dân nơi đây bị đảo lộn vì không còn đất canh tác, không nghề nghiệp. Anh Bùi Văn Xuyên ở xóm Đồng Âm, xã Phú Mãn kể: “Để xây dựng khu tái định cư, gia đình tôi đã bàn giao 3 sào đất canh tác mỗi năm 2 vụ màu cho chính quyền. Họ đền bù cho nhà tôi 6 triệu/2 sào và hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho chúng tôi khi khu tái định cư hoàn thành. Thế nhưng gần chục năm nay, chúng tôi không nghe thông tin gì về việc này nữa”.
Chị Lương Thị Phương ở đội 3, xã Phú Mãn góp chuyện: “Nhà tôi có 3 sào ruộng ở đồng Ré bị thu hồi, giờ không còn đất, tiền thì tiêu hết. Trong làng, thanh niên thì đi làm mỏ đá, ra phố làm thuê, phụ nữ, người già chúng tôi chả biết làm gì mà sống”.
Được biết, phần đất canh tác 47 héc-ta trong dự án chưa giải phóng mặt bằng, người dân vẫn cày cấy, nhưng gặp phải khó khăn vì hệ thống kênh mương, tưới tiêu bị phá bỏ, ngăn lấp. Chị Đinh Thị Xuyến, xóm Cổ Rùa cho biết: "Cũng may chúng tôi chưa nhận tiền đền bù của dự án nên còn có đất mà canh tác. Nhưng làm nông nghiệp, "nhất nước nhì phân", hệ thống kênh mương bị chặn lấp dòng chảy, không điều hòa được nước tưới tiêu. Mưa xuống thì ngập úng, nắng hạn thì khô nẻ. Năm ngoái, xóm Cổ Rùa phải huy động bà con góp mỗi hộ 200 nghìn đồng để đắp vai, làm mương dẫn nước từ đập Vai Chẹt về đồng. Nhưng khổ nỗi, cứ một trận lũ đi qua là hệ thống mương máng bị hỏng hoàn toàn. Thế là chúng tôi lại phải bỏ tiền làm lại".
Ngày 12/8/2011, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn cho biết: Dự án Khu tái định cư Hòa Phú đã khởi công cho đến nay đã gần chục năm nhưng chỉ mới san lấp được 20 héc-ta đất nông nghiệp, và hoàn thành một nhà máy may Hưng Thịnh; công trình còn lại đều dang dở, bỏ hoang, đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con, bởi hệ thống kênh mương bị chèn lấp, phá bỏ. Trước kiến nghị của bà con, xã chỉ khắc phục bằng cách khơi thông các mương, cống, rãnh nhưng không thể làm gì khác vì đây là đất đã quy hoạch vào dự án. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện xin phương án giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp. Để giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân hết đất nông nghiệp, xã Phú Mãn đã tổ chức các lớp học nghề thủ công truyền thống như đan lát, may, thêu… nhưng không duy trì được, bởi nhiều người dân bỏ nghề, đi làm phụ xây dựng, hoặc lên phố làm thuê.
Ông Thảo cho biết thêm: Năm 2005, trên địa bàn xã Phú Mãn đã triển khai một dự án Khu du lịch sinh thái do Công ty TNHH Hà Phú thực hiện. Dự án này được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao quyết định cấp 141,6 héc-ta chủ yếu đất đồi để trồng rừng và xây dựng khu du lịch sinh thái. Thế nhưng, đến nay dự án chỉ mới trồng được 10 héc-ta rừng đồi, xây dựng một hồ bao phục vụ du lịch, nhưng trong đợt mưa lũ vừa rồi, hồ bao này đã bị vỡ. Theo dự toán, phần đền bù, giải phóng mặt bằng phía doanh nghiệp phải bàn giao cho xã Phú Mãn quản lý là 15 tỷ đồng. Thời hạn giao tiền theo cam kết giữa doanh nghiệp và UBND xã là đến hết năm 2010, chia làm 3 lần trả. Thế nhưng đến nay, phía doanh nghiệp chỉ mới bàn giao cho UBND xã Phú Mãn được 1 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng, phía doanh nghiệp có biểu hiện không nghiêm túc trong thực hiện hợp đồng, UBND xã Phú Mãn đã đề xuất phương án lên UBND thành phố Hà Nội thu hồi dự án.
Một xã mà có đến hai dự án treo không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến đời sống và niềm tin của người dân. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Quốc Oai và TP Hà Nội sớm vào cuộc để giải quyết bài toán này, tránh để người dân nơi đây bức xúc kéo dài.
(Theo QĐND)
- 0
- By Admin
- 17/09/2011
- 17