• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Huyện Nhà Bè: Tiềm năng thị trường BĐS

Kể từ khi có khu đô thị Phú Mỹ Hưng, những vùng đất xung quanh khu vực này được “ăn theo” hạ tầng và có vị trí thuận lợi gần trung tâm Sài Gòn, đã phát triển ngày càng nhanh và tiếp tục hình thành những khu đô thị mới. Vùng đất phía Nam – huyện Nhà Bè – có thể nói là được hưởng thành quả này lớn nhất. Trong bối cảnh bất động sản sì sụp đóng băng, các dự án lớn nhỏ khu vực này vẫn tiếp tục xuất hiện, sôi động từng ngày.

Sôi động dự án bất động sản

Ngày 02/06/2009, Khu đô thị cảng Hiệp Phước giai đoạn 1 được khởi công xây dựng. Khu đô thị cách trung tâm Tp.HCM chưa đầy 20km, bao gồm xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM và xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. KĐT có diện tích 3.600ha, gồm KCN, KĐT và cảng, có khoảng 200.000 dân, với đầy đủ hạ tầng và các cơ sở dịch vụ của một thành phố lớn. Khu đô thị mới này hình thành sẽ thúc đẩy khu vực xung quanh phát triển nhanh, góp phần thực hiện giãn dân khu vực nội thành.

Kế đến và cũng là dự án có tầm cỡ, là dự án Khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiểng huyện Nhà Bè. Dự án có diện tích khoảng 350ha, bằng với Phú Mỹ Hưng giai đoạn 1. Tp.HCM hy vọng sẽ xây dựng khu đô thị thành một trung tâm với các khu dân cư hiện đại, tham gia vào hệ thống đa trung tâm của thành phố.

Theo các nhà đầu tư bất động sản ở Tp.HCM, tâm điểm đầu tư dự án sắp tới sẽ tập trung dọc theo tuyến đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, giáp với các trung tâm thương mại – tài chính lớn của Phú Mỹ Hưng. Do đó, hiện giờ ở các trục đường chính huyện Nhà Bè dẫn về Tp.HCM, dự án mọc lên như nấm.

Có lẽ đến giờ, kể cả cơ quan quản lỹ cũng chưa chắc đã thống kê kịp các dự án ở huyện Nhà Bè. Có thể kể ra đây hàng loạt dự án như Dragon Citi với 65ha cách Tp.HCM 5km; Khu đô thị Phú Xuân – COTEC với gần 26ha nằm trên trục đường huyết mạch Nguyễn Lương Bằng. Khu dân cư Phước Kiểng SADECO quy mô 22ha nằm trên trục đường Lê Văn Lương, cách Quận 1 khoảng 5km bằng đường Xa lộ Bắc Nam qua cầu kênh Tẻ, Phú Mỹ Hưng; New Saigon của Hoàng Anh Gia Lai; các dự án của Công ty Vạn Phát Hưng như Phú Xuân, Phú Mỹ;  Phước Kiểng – Thái Sơn… và hàng chục, cả trăm dự án khác. Mỗi dự án có diện tích từ chục đến vài chục héc-ta, và liên kết với nhau thành những thành phố sầm uất…

Khu dân cư cũng được ăn theo!

Lợi thế của vùng đất Nhà Bè là rất gần trung tâm thành phố, và giao thông khá tiện lợi về thành phố. Từ đây về Tp.HCM có hai ngả chính, một là cứ một đường Huỳnh Tấn Phát về ngay trung tâm Sài Gòn, hai là hướng Lê Văn Lương và Nguyễn Hữu Thọ về quận 7.  Trên các trục đường Nguyễn Hữu Thọ - Lê Văn Lương, các dự án mọc lên san sát, vừa biệt thự, vừa nhà phố, vừa chung cư cao tầng và toàn là dự án cao cấp.

Chính từ sự phát triển sinh sôi rầm rộ của dự án mà các khu dân cư hiện hữu giờ cũng ăn theo. Trong khi thị trường dự án hiện đang eo sèo, thì nhà đất trong các khu dân cư vẫn sôi động, giá cả tăng lên từng ngày. Danh, nhân viên một công ty môi giới bất động sản tại xã Phú Xuân, đưa khách đi giới thiệu 3 miếng đất. Miếng đất thổ cư 15m x 5m nằm trong một con đường đất nhỏ, có giá 15 triệu đồng/m2. Hai mảnh liền kề đang là đất “nông nghiệp” nhưng vẫn được rao bán với giá 8 và 10 triệu/m2.

Tuy nhiên đó là giá của cách đây 2 tháng. Nay trở lại, Danh cho biết anh đã bán và hiện tại các mảnh đất có giá trị tương tự đã tăng lên 3 triệu đồng/m2.

Một căn nhà mới xây dựng ở ấp 4 xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè được rao bán với giá không khác giá căn nhà trong một con hẻm ở nội thành TP.HCM. Căn nhà cấp 4, diện tích 25m x 5m, nằm trên con đường hẻm 8m, được ra giá 1,8 tỷ đồng. Chủ nhà tên Nhân cho biết, ông đã rao bán cách đây 3 tháng với giá 1,6 tỷ, nhưng mỗi ngày giá mỗi lên. “Nếu không có người mua vẫn không lo, vì trong dịp cận Tết này, giá lại tiếp tục tăng lên. Lúc đó nếu không được 2 tỷ sẽ không bán nữa”, chủ nhà nói với khách.

Chính từ bối cảnh sôi động này mà tình trạng xây cất và mua bán ở các khu dân cư trở nên khó kiểm soát. Chủ tịch một xã ở tiếp giáp với quận 7, cho biết, chính quyền địa phương vẫn đau đầu với tình trạng xây cất nhà trái phép, cất nhà không theo quy hoạch. Ông đã nhiều lần “cầu cứu” lên cấp trên, tuy nhiên những đợt “ra quân” chỉ giúp cho tình hình tạm lắng thời gian, sau đó việc xây cất vẫn sôi động trở lại.

Thực ra, vùng đất Nhà Bè phát triển là có nằm trong dự kiến và chiến lược của UBND Tp.HCM, đó là thành phố tiến về phía Nam. Trong tương lai nơi đây sẽ là thành phố trấn thủ cửa ngõ phía Nam, một diện mạo, một bộ mặt của thành phố.

Tuy nhiên “bộ mặt” ấy có đẹp, tráng lệ, hay nhàu nát lộn xộn, là do năng lực quản lý, quy hoạch của cơ quan quản lý. Hiện nay đã có một số dấu hiệu cho thấy, nếu không liên tục quản lý chặt về mặt quy hoạch mà cấp phép tràn lan, không khéo lại băm nát một vùng đất mà lẽ ra rất có điều kiện làm đẹp.

(Theo Tamnhin)

  • 0
  • By Admin
  • 30/12/2010
  • 17