Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Phớt lờ chỉ đạo của thành phố?
Tuy nhiên, hơn 6 tháng qua, kết luận của thành phố vẫn chưa được chính quyền địa phương thực hiện…>>Đất thổ cư và đất dự án, đầu tư kênh nào "an toàn"?
Giao, cho thuê đất sai quy định
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đầu những năm 2000, xã Tân Lập đã xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp, diện tích 6,5 ha, là đất nông nghiệp thuộc cụm dân cư số 13. Lúc này, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chưa phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp, song UBND xã Tân Lập và huyện Đan Phượng đã thực hiện hàng loạt thủ tục giao, cho thuê đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm này thì việc giao đất đang có người sử dụng chỉ được tiến hành sau khi đã có quyết định thu hồi đất và UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giao, cho thuê đất đối với các tổ chức.Thế nhưng, trong khi UBND tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi đất thì từ năm 2000 đến 2001, UBND xã Tân Lập và huyện Đan Phượng đã giao đất cho các Công ty TNHH Vĩnh Lợi, Tân Hoàng Long, Hương Quế và HTX Công nghiệp dệt Tân Lập, DNTN hương Đông Thành.
Chưa có quyết định giao đất, nhưng Công ty TNHH Hương Quế đã san lấp mặt bằng từ năm 2002 |
Điều 8, Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ quy định việc phê duyệt giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất đối với từng dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, song UBND xã Tân Lập và huyện Đan Phượng cũng đã phớt lờ quy định này. Ngày 1/3/2001, xã Tân Lập đã có Tờ trình số 04 đề nghị UBND huyện phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ GPMB với mức: Bồi thường đất nông nghiệp hạng 1 là 19.300 đồng/m2, hỗ trợ đào tạo nghề từ 10.000 đến 14.000 đồng/m2. Trên cơ sở đó, ngày 27/3/2001, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành Quyết định 112B, phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp bị thu hồi tại xã Tân Lập từ 11 đến 13 triệu đồng/sào. Xã và huyện Đan Phượng không thành lập Hội đồng bồi thường, GPMB, phần lớn các doanh nghiệp trên đều thông qua ông Nguyễn Đăng Thịnh (cụm 13, xã Tân Lập) làm đầu mối, trực tiếp thỏa thuận với các hộ có ruộng.
Vì vậy, việc bồi thường diễn ra tùy tiện khi một số hộ có ruộng nằm sát quốc lộ 32 được trả 60 triệu đồng/sào và xã in một loạt các mẫu "Đơn thỏa thuận", "Hợp đồng thuê đất sản xuất"… để người dân ký. Mặc dù không đúng về trình tự, nhưng do phù hợp với quy hoạch và xét thấy các thủ tục đã có phần phù hợp với hướng dẫn của Sở Địa chính Hà Tây nên UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành quyết định cho thuê đất đối với Công ty TNHH Tân Hoàng Long, HTX Công nghiệp dệt Tân Lập, DNTN hương Đông Thành. Riêng 2 Công ty TNHH Hương Quế và Vĩnh Lợi đến thời điểm này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất vậy nhưng Công ty Hương Quế đã san lấp mặt bằng, xây tường bao từ năm 2002 mà không bị cơ quan chức năng xử lý?
Năm 2007, cụm công nghiệp Tân Lập được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt, diện tích đất mà Công ty TNHH Vĩnh Lợi được xã cho thuê thuộc dự án này (nay là dự án khu đô thị Tân Tây Đô) nên lại bị thu hồi. Với lý do Công ty Vĩnh Lợi đã bồi thường hơn 284 triệu đồng cho các hộ có ruộng từ năm 2001 nên Hội đồng GPMB huyện Đan Phượng xác định bà Nguyễn Thị Mai (Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Lợi) là chủ sử dụng đất và được nhận hơn 600 triệu đồng tiền bồi thường. Việc này khiến người có đất bị thu hồi vô cùng bức xúc bởi bà Mai không phải là chủ sử dụng đất hợp pháp vì bà chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hà Tây.
Khó sửa sai?
Trong các văn bản trả lời đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Đan Phượng, Công an tỉnh Hà Tây (cũ) và gần đây nhất là văn bản số 138 ngày 31/5/2011 của UBND thành phố Hà Nội đều nhận định quy trình thu hồi đất, lập phương án bồi thường của huyện Đan Phượng là trái pháp luật, cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân; phải xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng với Công ty TNHH Hương Quế; thu hồi số tiền bồi thường đã chi trả sai cho bà Mai hơn 320 triệu đồng (là số tiền chênh lệch giữa phần bà Mai đã trả các hộ dân từ năm 2001 với phần nhận bồi thường từ dự án Tân Tây Đô)… Tuy nhiên, trong Thông báo 138 không nói rõ 320 triệu này sẽ nộp ngân sách nhà nước hay chi trả bổ sung cho những người có ruộng?Trao đổi với một số lãnh đạo xã Tân Lập, chúng tôi được biết: Thực hiện kết luận của thành phố, huyện đã họp bàn cách giải quyết, nhưng trên thực tế việc thu hồi lại số tiền của bà Mai cũng như xử lý vi phạm về đất đai còn rất nhiều vướng mắc. "Nút thắt" ở đây là giữa bà Mai và các hộ có ruộng đã ngầm thỏa thuận: Sau khi đất bị thu hồi vào dự án Tân Tây Đô, các hộ có ruộng sẽ được nhận đất dịch vụ (người có đất bị thu hồi sẽ được nhận 10% đất dịch vụ theo Quyết định 1098 ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây), còn bà Mai sẽ nhận tiền bồi thường từ dự án. Song, chính việc chấp nhận bồi thường nửa vời theo thỏa thuận ấy của huyện Đan Phượng đã khiến cái sai càng sai hơn, dẫn đến những lúng túng hiện nay.
Đề nghị UBND huyện Đan Phượng sớm trả lời về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ mà UBND thành phố Hà Nội đã giao trong Thông báo Kết luận sau thanh tra nói trên.
(Theo HNM)
- 123
- By Admin
- 19/12/2011
- 17