Huy động vốn: Bài toán khó của các doanh nghiệp BĐS
Chuẩn bị “túi tiền”
Nhận định giao dịch trong thị trường nhà ở đang có dấu hiệu phục hồi, không ít công ty đã đặt kế hoạch tung nhiều sản phẩm ra thị trường ngay trong năm nay. Tuy nhiên, khách hàng dần chuyển sự chọn lựa sang các dự án có tiến độ xây dựng tốt và chủ đầu tư uy tín, buộc doanh nghiệp (DN) phải có nguồn vốn đủ mạnh để triển khai dự án.
Gần đây nhất, Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) đã phát hành thành công 25,5 triệu cổ phần cho 6 nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước với mức giá 18.000 đồng/cổ phần. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của NLG đã tăng từ 955 tỷ đồng lên 1.210 tỷ đồng, trong đó, NĐT nước ngoài sở hữu khoảng 43,6%. Tổng số tiền 459 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này bổ sung vào vốn lưu động cho các dự án EHome sẽ triển khai sắp tới. Cụ thể là việc triển khai khoảng 2.000 căn hộ trong năm nay.
Liên quan đến huy động vốn, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc NLG, cho rằng, ở thời điểm khó khăn, mỗi DN phải chọn hướng đi riêng, hoặc là ngồi yên, hoặc là “hy sinh” về giá trong một khoản thời gian nhất định để thu hút nguồn tiền từ các tổ chức, NĐT cùng công ty phát triển dự án, còn hơn là phải đi vay và trả lãi 14-15%/năm.
Trong khi đó, nói về kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), cho biết, năm nay, Công ty đặt mục tiêu phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động vốn để triển khai 5 - 6 dự án nhà ở (trong tổng số 16 dự án Công ty đang sở hữu). Tuy nhiên, số lượng phát hành và giá phát hành như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào kết quả biểu quyết tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) dự kiến diễn ra vào ngày 15/4 sắp tới.
Theo đại diện Thuduc House, dù đầu ra thị trường BĐS vẫn chưa được như kỳ vọng nhưng năm nay, việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu có thể sẽ thuận lợi hơn do thị trường đang phục hồi, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang giảm, dòng tiền đầu tư chuyển hướng sang thị trường chứng khoán, điều này sẽ tạo lực đầy cho các DN BĐS niêm yết.
Trong khi đó, để có khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai 3 dự án căn hộ vừa công bố hợp tác phát triển là Lexington, Icon 56 và Galaxy 9, đại diện Công ty CP Địa ốc Nova (Novaland) chia sẻ, Công ty chủ yếu nhắm vào nguồn vốn huy động từ khách hàng, vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Hiện, Công ty đang trong quá trình đàm phán với một vài ngân hàng đề hỗ trợ tài chính phát triển các dự án trên. Ngoài ra, để hút vốn từ khách hàng, công ty này đã điều chỉnh lại thiết kế dự án (chẻ nhỏ căn hộ nhằm giảm giá thành) để tạo tính thanh khoản bán hàng.
Khó để “té nước theo mưa”
Rõ ràng, nếu nhìn vào sự phục hồi của thị trường trong hơn hai tháng qua, có thể thấy, giá nhiều cổ phiếu BĐS đã có mức tăng ấn tượng, dòng tiền của các NĐT đang đổ vào BĐS. Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Quỹ VOF, cho rằng, từ đầu năm 2013 đến tháng 2/2014, cổ phiếu BĐS đã tăng bình quân 40 - 43%, trong khi VN-Index tăng bình quân 38 - 39%. Đây không phải là mức tăng ảo vì theo ông Andy, vì mức tăng của cổ phiếu BĐS không quá chênh lệch so với VN-Index.
Cụ thể như cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, vào tháng 11/2011, giá mỗi cổ phiếu BCI đạt 14.900đ/CP và các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị mua vào vì giá mục tiêu của BCI là là 22.874đ/CP. Tính đến ngày 31/12/2013, mức giá này là 18.361 đồng, với khối lượng giao dịch khớp lệnh trong ngày chỉ có 130 cổ phiếu. Song, đến ngày 25/2/2014, giá cổ phiếu BCI đã tăng lên 25.800 đồng và con số này vào ngày 7/3 là 24.100đ/CP với khối lượng giao dịch đạt 98.990 cổ phiếu.
Không chỉ BCI mà trong đầu tháng 3 này, nhiều cổ phiếu BĐS đã có mức tăng ấn tượng như: Đất Xanh (DXG), DIC...
Thị trường đầu năm đang có dấu hiệu khả quan nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc khối DN BĐS sẽ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhìn nhận, nhóm DN BĐS niêm yết chỉ là một phần nhỏ trong thị trường BĐS vốn còn nhiều khó khăn. Nói là NĐT đang đổ tiền vào cổ phiếu BĐS nhưng cũng phải tùy thuộc vào việc DN hoạt động như thế nào...
Ông Tony Ngo, đại diện Quỹ Bridger Capital bày tỏ, khi phân tích cổ phiếu của bất kỳ công ty BĐS nào để đi đến quyết định đầu tư, NĐT sẽ nhìn vào tài sản của DN, cụ thể là đánh giá chất lượng từng dự án mà DN đó sở hữu, các cơ hội tốt lẫn những rủi ro từ những dự án này trong tương lai, dòng tiền,... nhưng phải nhìn dưới góc độ phát triển dài hạn, chứ không phải là kết quả của một năm.
Do đó, đối với những DN đang gánh lượng hàng tồn kho cao và những khoản nợ lớn, thì rất khó để huy động vốn bởi không NĐT nào can đảm nhảy vào để gánh việc trả nợ.
- 0
- By Admin
- 13/03/2014
- 17