• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Huy động 190 tỷ USD phát triển Hà Nội là khả thi

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội nhận định, cùng với đẩy mạnh thu hút vốn xã hội hóa thông qua mô hình hợp tác công - tư (PPP) và giữ được đà tăng trưởng như hiện nay, việc huy động 190 tỷ USD cho phát triển Hà Nội từ nay đến năm 2020 là khả thi.

Theo Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội Hà Nội đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ cần một lượng vốn tới khoảng 190 tỷ USD. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội khó có thể huy động đủ số vốn khổng lồ như vậy, thưa ông?

Theo tôi, phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể. Nếu tính trung bình mỗi năm Hà Nội cần tới 19 tỷ USD thì đúng là việc huy động hoàn toàn không dễ. Tuy vậy, phải thấy rằng, không phải tất cả đều là vốn đầu tư từ ngân sách (dự kiến chỉ chiếm  15-16%), mà phần lớn là vốn đầu tư xã hội, như vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong nước... Đặc biệt, Hà Nội đang tích cực thí điểm triển khai mô hình PPP. Đây sẽ là kênh thu hút đầu tư hiệu quả trong thời gian tới.

Ngoài ra, đây là quy hoạch Hà Nội cho 10 năm, nghĩa là thực tế phát triển của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng mỗi năm mỗi khác. 4 hay 5 năm tới, quy mô kinh tế và nguồn lực huy động của Hà Nội có thể thay đổi rất nhiều, không phải như hiện nay. 19 tỷ USD/năm lại là con số chia bình quân, không phải là nguồn vốn cố định hàng năm. Có thể năm nay cần 19 tỷ USD, thậm chí 25 tỷ USD, nhưng năm sau, có thể chỉ cần một nửa số đó. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng năm.

Tôi tin rằng, nếu giữ được đà phát triển như hiện nay, thì việc huy động vốn cho phát triển của Hà Nội là khả thi.

Theo Quy hoạch, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như các ngành công nghiệp chủ lực với các khu, cụm công nghiệp lớn. Nhưng nếu nhìn vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau hàng chục năm mới chỉ thu hút được vài nhà đầu tư, ngành công nghiệp phụ trợ cũng gần như con số 0, thì khó có thể lạc quan về tương lai?

Thực tế việc phát triển công nghiệp phụ trợ mới được đặt ra khoảng 5 năm nay, sau khi mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất công nghiệp không đạt chỉ tiêu. Tới đây, Hà Nội phải xác định những lĩnh vực thế mạnh cụ thể để tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Còn việc vắng nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tôi cho rằng, không phải Hà Nội thiếu chính sách thu hút đầu tư. Có thể là Hà Nội và các doanh nghiệp chưa gặp nhau trong mục tiêu, lĩnh vực đầu tư phát triển.

Nói như vậy nghĩa là tầm nhìn quy hoạch của Hà Nội chưa thực sự tốt, thưa ông?

Tôi không cho là như vậy. Việc Hà Nội lựa chọn phát triển các lĩnh vực công nghệ cao theo hướng đi tắt, đón đầu là hoàn toàn chính xác. Có như vậy, chúng ta mới đuổi kịp và phát triển kinh tế theo hướng hiện đại.

Cũng liên quan đến tầm nhìn quy hoạch, ông nghĩ gì khi thời gian qua, hàng chục dự án hạ tầng của Hà Nội liên tục phải điều chỉnh quy hoạch?

Tại sao các dự án phải điều chỉnh quy hoạch thì UBND Thành phố mới trả lời chính xác được. Theo tôi, quy hoạch đòi hỏi tầm nhìn ổn định, dựa trên dự báo phát triển, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng. Trong quá trình thực hiện, khi thấy có những yếu tố tác động có ảnh hưởng đến quy hoạch thì phải điều chỉnh. Để đánh giá thì phải xem xét cụ thể việc điều chỉnh đó theo hướng tích cực hay chưa.

(Theo VIR)

  • 0
  • By Admin
  • 20/07/2011
  • 17