Hướng đi nào cho những sân golf vượt quy hoạch?
Những sân golf "phình to"
Câu chuyện ồ ạt đầu tư sân golf hồi năm 2008-2009 tưởng như đã yên ắng sau khi qui hoạch sân golf đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1946 ngày 26/11/2009 thì nay, đang có nguy cơ tái diễn. Khi đó, từ con số 166 dự án sân golf trên cả nước, bộ KHĐT đã mạnh tay "cắt" thẳng tới 76 dự án không đủ điều kiện, chỉ còn 90 dự án được lựa chọn nằm trong danh mục qui hoạch. Với máy xén quản lý đầu tư đầy quyết đoán này, bộ KHĐT đã "tiết kiệm" cho quốc gia được 15.600 ha đất các loại.
Thế nhưng, chỉ chưa đầy 2 năm sau, qui hoạch sân golf này đã lại "vỡ", phát hiện "phụ trội" thêm 39 dự án. Điều lạ lùng là, ngoài số dự án thuộc dạng cố tình xé rào, sinh sau đẻ muộn so với qui hoạch, sự phình to của qui hoạch sân golf còn bắt nguồn từ yếu tố "lịch sử" để lại: khi rà soát và xây dựng qui hoạch năm 2009, các tỉnh đã không thống kê đầy đủ các dự án.
Báo cáo Thủ tướng tuần trước, bộ KHĐT cho biết đã phát hiện thêm 27 sân gofl thuộc 13 tỉnh thành nằm ngoài danh mục và đặc biệt, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Trong đó, có 5 dự án đang triển khai xây dựng, 5 dự án được cấp phép từ trước khi có quy hoạch sân golf chính thức ra đời. Riêng ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã "đóng góp" tới 5 dự án trong số này.
Theo bộ KHĐT, sự tồn tại của số sân golf trên là do các tỉnh đã không thống kê đầy đủ, báo cáo thiếu nên đã dẫn tới tình trạng dự án được cấp phép từ sớm, giai đoạn 2006-2008 nhưng lại không được đưa vào qui hoạch trong quá trình xây dựng năm 2009. Chịu trách nhiệm trong việc này trước hết là UBND các tỉnh đã không thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ tướng. Bởi lẽ, các qui định về tiêu chí, điều kiện hình thành sân golf đã được ban hành đầy đủ, cụ thể, nếu phát hiện dự án vi phạm thì các địa phương phải xử lý kịp thời đúng qui định.
Không dừng lại ở đó, các địa phương còn chủ động xin bổ sung thêm 12 sân golf vào quy hoạch như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đăk Lắk...
Với tình trạng trên, tới nay, thực tế tổng số sân golf trên cả nước đã tăng từ 90 lên 124 dự án.
78% chủ dự án sân golf không đáp ứng đúng yêu cầu
Trở lại tình hình thực hiện 90 dự án sân golf trong qui hoạch, kết quả kiểm tra của Bộ KHĐT cho thấy, chưa hẳn đã thực hiện tốt như mong đợi.
Trong danh mục trên, chỉ có 24 dự án đang hoạt động, 25 sân đang xây dựng, 13 sân đã được cấp phép, 23 sân được chấp thuận về chủ trương và 5 sân đang đề nghị phải rút ra khỏi qui hoạch. Trong 5 dự án đang bị "trục xuất" khỏi qui hoạch, 3 dự án ở trình trạng 'treo" tiến độ và 2 dự án chuyển đổi mục đích đầu tư.
Việc sử dụng đất của sân golf vốn là vấn đề nhạy cảm nhất, đến nay đã được cải thiện tích cực hơn. Thống kê của Bộ KHĐT cho biết, cả nước mới có 59 dự án đã có quyết định thu hồi đất với 15.653,23ha. Trong đó, diện tích đất lúa 1 vụ đã giảm đi rất nhiều, từ 28% trước đây giờ chỉ chiếm 2%, tương đương 322,86 ha. Đặc biệt, các dự án này hoàn toàn không sử dụng đất lúa 2 vụ. Đất lâm nghiệp có rừng "bị" các dự án sân golf chiếm dụng thì 97% phần đất này chủ yếu phục vụ cho mục đích du lịch sinh thái. Hiện, 7.200ha đất trống đồi trọc, đất ven biển, đất đầm lấy chiếm 41% diện dịch đất các sân golf đã được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, ngoài tín hiệu tích cực trên, tình trạng chưa thực hiện đúng qui định vẫn tồn tại không nhỏ. Ví dụ như có tới 11 dự án không nằm trong qui hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2010 nhưng đã được các tỉnh, thành phố xin bổ sung vào qui hoạch đất giai đoạn 2011-2020.
13 chủ đầu tư sân golf chiếm 22% tổng số sân đã có quyết định thu hồi đất là sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, diện tích giao, xây dựng các hạng mục công trình đúng theo dự án được duyệt. Còn lại, có tới 46 chủ đầu tư chiếm 78% làm chậm tiến độ hoặc sai qui định.
"Lỗi" chủ yếu là các chủ đầu tư này xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ, hồ sơ đất đai chưa đúng thực tế sử dụng đất, xây dựng sân golf khi quy hoạch chi tiết chưa được duyệt, đất Nhà nước giao, cho thuê nhưng lại không sử dụng, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền sử dụng đất...Nguyên nhân sâu xa là do thiếu vốn, hoặc do khó khăn giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, trong số 64 dự án sân golf phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện vẫn còn 9 dự án chưa thực hiện.
Chấp thuận "phình to" để làm qui hoạch cứng
Như vậy, số dự án thực tế đúng qui định trong qui hoạch sẽ chỉ còn 85 dự án. Trước những phát sinh trên, bộ KHĐT đã trình Thủ tướng 3 phương án xử lý, song, ý kiến cuối cùng của Bộ lại là là chọn phương án số 3, chấp thuận mở rộng qui hoạch sân golf lên hết cỡ với 118 sân.
Cụ thể, ở phương án 1, Chính phủ có thể giữ nguyên số sân golf đến năm 2020 là 90 dự án. Tuy nhiên, dự án cụ thể sẽ phải điều chỉnh lại, trong đó, số 5 dự án bị rút ra khỏi qui hoạch sẽ được "bù" vào 5 dự án khác nằm trong số 27 dự án phát hiện đã cấp phép trước Quyết định 1946. Tổng diện tích số dự án này là 592,51 ha, hoàn toàn không có đất lúa, chủ yếu là đất cát hoang hóa ven biển, đã giải phóng xong mặt bằng.
Ở phương án 2, Chính phủ có thể bổ sung thêm 11 dự án sân golf, nâng tổng số sân golf qui hoạch là 96 dự án. Tổng diện tích các dự án này là 2.109 ha, trong đó, Phú Thọ , Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa mỗi địa phương bổ sung 1 dự án, các tỉnh Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, mỗi tỉnh "được" thêm 2 dự án. Số dự án được chọn này là do phù hợp vơi tiêu chí, điều kiện hình thành sân golf theo qui định.
Phân tích của Bộ KHĐT cho rằng,nếu áp dụng phương án 1 thì sẽ tránh được phản ứng của dự luận về việc có nhiều sân golf nhưng hằng năm, sẽ xảy ra tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung qui hoạch. Tính ổn định của qui hoạch dễ bị phá vỡ. Còn ở phương án 2 linh hoạt hơn nhưng cũng vẫn chặt chẽ vì "chỉ bổ sung những dự án đủ điều kiện, tiêu chí.
Phương án 3 là phương án thoáng nhất được bộ KHĐT kiến nghị lựa chọn: chấp thuận số lượng sân golf tăng lên 118 sân gồm 85 sân trong quy hoạch hiện hành và bổ sung 33 sân mới ngòai qui hoạch. Bộ này cho rằng, với quyết định mở rộng "một lần rồi thôi" này, qui hoạch sân golf sẽ không bị phá vỡ nữa và cũng tránh được việc bổ sung đièu chỉnh thêm vì đây sẽ là quy hoạch cứng, áp dụng đến năm 2020.
Theo phương án này, Chính phủ cần phải ra thêm những qui định chặt chẽ hơn như năng lực chủ đầu tư, tiến độ thực hiện, vấn đề bảo vệ môi trường... Trong đó, một số thành phố lớn, khu du lịch trọng điểm sẽ dành xây dựng một số sân golf cộng đồng.
Kiến nghị của bộ KHĐT không có gì khác biệt so với tình trạng thực hiện qui hoạch ngành hiện nay của Việt Nam, như qui hoạch nhà máy thép, xi măng... Đó là kịch bản mỗi khi có sự phát sinh dự án ngoài qui hoạch thì thông thường, các bộ có xu hướng xin bổ sung, chấp thuận sự xé rào đã rồi với quan điểm, qui hoạch trước được xây dựng là qui hoạch... mở.
Trong 24 dự án sân golf đang hoạt động, thu hút được 8.056 lao động, trung bình 336 lao động/dự án. Mức nộp ngân sách năm 2010 chưa thống kê đầy đủ là 505 tỷ đồng. Một số sân kinh doanh khác như sân golf Phượng Hoàng, Hòa Bình, sân Chí Linh, Hải Dương, sân Đồng Mô, Vân Trì, Hà Nội, sân Yên Thắng, Ninh Bình, sân Sông Mấy, Đồng Nai.
(Theo VEF)
- 106
- By Admin
- 23/05/2011
- 17