Huế: Nan giải vấn đề nhà ở cho sinh viên, công nhân
Năm 2012 mới có 6 ngàn chỗ ở
Hiện nay toàn Đại học Huế có khoảng trên 26 nghìn SV chính quy, trong đó có trên 1 nghìn SV cao học. Ngoài một số ít SV có gia đình sinh sống tại TP Huế không có nhu cầu về nhà ở, số SV còn lại chủ yếu từ các tỉnh khác đến nên việc thuê nhà ở là nhu cầu rất bức thiết, nhằm ổn định cuộc sống và điều kiện học tập được tốt hơn.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Phấn đấu đến năm 2015 giải quyết cho khoảng 60% số SV, với khoảng 15 nghìn SV có nhu cầu được thuê nhà ở tại các dự án trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Văn Tuấn - Giám đốc Ban đầu tư và Xây dựng Đại học Huế cho biết, hiện Đại học Huế đang có 5 Ký túc xá (KTX) giải quyết được 2.116 chỗ ở. Tháng 9/2012 đơn vị sẽ đưa vào sử dụng thêm 5 KTX, với 2.640 chỗ ở, trong đó Bộ GD&ĐT đã đầu tư cho xây dựng 1 KTX với 528 chổ ở, còn lại được đầu tư từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2010. Năm 2011 đơn vị tiếp tục triển khai thêm 3 KTX từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với 1.102 chỗ ở, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 9/2012. Theo đó, đến năm 2012 toàn Đại học Huế sẽ có 5.908 chỗ ở cho SV. Những công trình xây dựng hiện vẫn đang gặp khó khăn trước biến động của VLXD do lạm phát. Ngoài ra, những công trình KTX còn lại phải phụ thuộc vào nguồn vốn mới triển khai được. Hiện các công trình đang triển khai vẫn còn thiếu trên 30 tỷ nên chưa thể sớm hoàn thành để bàn giao công trình.
Nhu cầu nhà ở cho công nhân các KCN vẫn không thua kém, đến nay toàn tỉnh có trên 11.700 lao động đang làm việc tại các KCN. Tuy nhiên, qua tìm hiểu đến nay vẫn chưa có Cty, DN... nào triển khai xây nhà ở để cho công nhân thuê. Ông Phan Quang Vinh – Phó trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết, theo điều tra hiện có khoảng 35% lao động có nhu cầu về nhà ở, với khoảng 4 nghìn lao động. Dự kiến đến năm 2015 các KCN sẽ đón khoảng 99.700 lao động đến làm việc, trong đó nhu cầu về nhà ở có khoảng 29.900 lao động, theo tính toán các KCN chỉ đáp ứng khoảng 14.900 lao động. Đến năm 2020 sẽ có 153.300 lao động, nhu cầu về nhà ở khoảng 46 nghìn lao động, nhưng KCN sẽ đáp ứng khoảng 23 nghìn lao động.
Trên cơ sở đó, Ban Xây dựng nhà ở của công nhân đã xin quy hoạch 440ha đất tại 6 KCN trên địa bàn tỉnh và KCN tập trung tại KKT Chân mây Lăng Cô. Năm 2010 - 2015 cho đầu tư xây dựng trên diện tích 128ha, đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng 312ha còn lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Dũng - PGĐ Sở Xây dựng tỉnh TT - Huế cho biết: Theo đề án đến năm 2011 phải xây dựng đạt 30% chỗ ở cho SV, nhưng đến nay mới khoảng 14%. Như vậy so với cả nước ở tỉnh còn triển khai chậm. Lẽ ra qua năm 2011 đã triển khai giai đoạn 2 của dự án, nhưng do Chính phủ chưa rót vốn nên vẫn chưa thể triển khai. Về nhà ở cho công nhân Sở đã nhiều lần chỉ đạo BQL các KCN triển khai lập đề án, tuy nhiên theo tính toán của các Cty với tình hình lạm phát như hiện nay, xây nhà cho công nhân thuê rất khó lấy lại vốn. Trước thực trạng đó Cty CP Sợi – Huế đã mua đất để xây dựng nhà ở bán cho công nhân, Cty CP Scavi - Huế đang lập đề án trình Sở, tỉnh xin xây nhà ở bán cho công nhân để khấu trừ vào lương hàng tháng nhằm lôi kéo công nhân của mình không chuyển sang các Cty khác.
Tuy nhiên, ông Phan Quang Vinh cho rằng, theo Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng và miễn tiền sử dụng đất, Cty đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để cho công nhân thuê. Nếu các Cty muốn xây dựng nhà để bán cho công nhân chỉ được bán hiện vật kiến trúc trên đất, chứ bán hết là không được.v
Khu KTX Đại học Huế được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 9/2011 tới.
(Theo Báo Xây dựng)
- 0
- By Admin
- 22/06/2011
- 17