Huế: Kiến nghị nâng tầng cao nhà dân tối đa trong khu kinh thành
Về quyết định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch chi tiết khu kinh thành Huế, ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND thành phố Huế, cho biết thành phố đã nhiều lần kiến nghị điều chỉnh quyết định trên do đất trong nội thành nhỏ, trong khi mật độ dân số tăng.“Chúng tôi đề nghị cho phép người dân được xây nhà nhiều tầng để có thể tăng diện tích sử dụng. Tuy nhiên, chiều cao mái thì vẫn giữ tối đa 11 m, nhà khu vực thành nội phải có mái dốc chứ không được cho phép xây mái bằng” - ông Vinh nói.
Theo quyết định, các căn nhà trên 4 tuyến đường quanh khu vực Đại Nội là đường Lê Huân, Đoàn Thị Điểm, 23/8 và Đặng Thái Thân chỉ được phép xây một tầng, chiều cao tối đa không quá 4 m, sau này là 6 m. Các đường còn lại được phép xây nhà 2 tầng, chiều cao không quá 11 m.
Các nhà trên đường ven hệ thống ao hồ và sông Ngự Hà phải có độ lùi khi xây dựng. Nhà một tầng phải lùi 6 m so với bờ sông, nhà hai tầng phải lùi 12 m…
Dù đã có quy định chặt chẽ như vậy nhưng dân vẫn xây nhà cao tầng quanh khu Đại Nội để tránh lụt và vi phạm về độ lùi cho phép (thay vì phải lùi 12 m khi xây tầng 2 thì chỉ lùi 6 m).
Ông Ngô Lộc, Đội phó Đội Quản lý đô thị thành phố Huế, thừa nhận thực tế cứ 10 nhà thì có đến 7 nhà xây sai quy định. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng cao, bắt họ bó hẹp trong một hai tầng cũng rất khó.
Theo ông Lộc, tỉnh nên có sự điều chỉnh Quyết định 2318 cho phù hợp thực tế. Ví như đối với 4 tuyến đường quanh Đại Nội, thay vì khống chế chiều cao không quá 6 m thì nên cho người dân xây tối đa 9 m và có gác lửng để tránh lụt. Ngoài ra, quanh khu vực sông, ao hồ thì độ lùi là 6 m chung cho cả 2 tầng.
Ông Huỳnh Quang, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế, cho rằng lẽ ra cơ quan chức năng phải quản lý chặt việc xây dựng sai phép ngay từ đầu để không dẫn tới tình trạng hiện nay.
Cũng theo ông Quang, có thể cho người dân xây nhà 2 - 3 tầng quanh Đại Nội nhưng cơ quan quản lý cần gấp rút có giải pháp gìn giữ nhà vườn Huế. Còn quy định về độ lùi đối với nhà gần sông thì không thể thay đổi.
“Thông thường, những công trình kiến trúc càng gần bờ sông thì càng phải nhỏ lại và lùi xa để con sông không bị thu hẹp. Đó là lý do không thể bỏ quy định này” - ông Quang nói.
(Theo PLTPHCM)
- 166
- By Admin
- 18/07/2011
- 17