Hợp thức hóa nhà khi chủ cũ xây dựng sai phép
Xin hỏi, thay vì phải dỡ bỏ để vẽ lại, tôi có thể xin phép xây dựng cho phần xây trái phép này không (căn phòng được xây toàn bộ bằng bê tông cốt thép)? Thủ tục ra sao và phải xin ở cơ quan nào? Được biết, nếu xin giấy phép xây dựng thì phải nộp phạt vi phạm hành chính, nhưng liệu trường hợp này có bị buộc tháo dỡ không?
- Trả lời:
Theo thư của ông, có thể hiểu rằng sau khi hoàn công, chủ nhà cũ đã tự ý xây dựng thêm một phòng thờ trên sân thượng của căn nhà nhưng không xin giấy phép xây dựng. Đây là hành vi xây dựng trái phép, vi phạm điều 62 của Luật Xây dựng.
Về việc xử phạt, theo khoản 1 điều 4 của Thông tư 24/2009/TT-BXD, trong trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng như làm thay đổi kết cấu chịu lực chính; kiến trúc mặt đứng công trình; vượt quá chiều cao tối đa được duyệt; phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng… thì chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, do ông không phải là chủ đầu tư đã tổ chức xây dựng công trình (chủ cũ là chủ đầu tư) nên ông sẽ không bị phạt tiền, nhưng việc căn nhà có được cấp “sổ hồng” hay không thì còn tùy thuộc vào sự xem xét của cơ quan có thẩm quyền.
Do vậy, trong trường hợp của ông, có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận theo thủ tục chung được quy định tại điều 16 của Nghị định 88/2009/NĐ-CP.
Theo điểm b khoản 2 điều 29 của Thông tư 17/2009/TT-BTNMT, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quản lý về nhà ở, công trình xây dựng để xem xét phần công trình được xây dựng trái phép có được công nhận hay không.
Trong trường hợp không được công nhận, ông phải tháo dỡ căn phòng đó cho phù hợp với nội dung giấy phép xây dựng rồi mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Trân trọng kính chào.
Theo Tuổi trẻ
- 325
- By Admin
- 17/05/2010
- 17