Hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư BĐS: Lợi ích ba bên?
Thời điểm hiện nay, sự liên kết giữa ngân hàng và chủ đầu tư là rất cần thiết cho sự phát triểm của thị trường BĐS. |
Tuy nhiên, từ khi BĐS trở thành kênh đầu tư chính (sau vàng và chứng khoán), thì nguồn vốn của thị trường này đã lệ thuộc quá nhiều vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Vì vậy, để có thể phát triển lành mạnh, vững chắc hơn thì chủ đầu tư BĐS nên tìm những giải pháp tích cực, trong đó có việc ký hợp đồng hợp tác toàn diện với ngân hàng. Liên kết này không chỉ là một xu thế mới mà còn là một hướng kết hợp đúng đắn nhằm đem lại lợi ích cho khách hàng, đơn vị đầu tư, ngân hàng và từ đó thúc đẩy thị trường phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hình thức sở hữu nhà riêng đang là dạng phổ biến hiện nay. Hình thức này sẽ làm cho đại bộ phận người dân với thu nhập như hiện nay khó có cơ hội tiếp cận được nhà ở do giá nhà cao hơn so với các hình thức sở hữu khác.
Thường khi mua nhà ở, hệ thống ngân hàng luôn là địa chỉ được tìm tới đầu tiên để hỗ trợ người dân được vay tiền. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ nguồn vốn từ các ngân hàng thì không ít hộ gia đình sẽ không thể mua được nhà. Chính vì nguồn vốn cần cho phát triển nhà ở trong những năm tới là cực lớn, việc tìm nguồn vốn dành cho phát triển nhà, đặc biệt là nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Rõ ràng, việc hợp tác này đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho khách hàng. Và nếu hình thức này tiếp tục được duy trì, thì người mua sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là về vốn, có những dự án khách hàng được vay vốn lên đến 70% với thế chấp chính là sản phẩm chủ đầu tư cung cấp.
Thêm vào đó, việc hợp tác sẽ giúp gia tăng nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng cho chủ đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp được tạo điều kiện trong các chương trình liên kết, hỗ trợ trong việc quản lý nguồn tiền và được hưởng nhiều ưu đãi từ phía ngân hàng. Bên cạnh đó, việc hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, có cơ hội để tiếp tục hoàn thiện những sản phẩm BĐS còn dang dở đến tay người tiêu dùng, bán hàng để thu hồi vốn.
Có thể kể tới một ví dụ về sự liên kết này, là việc tập đoàn Hà Đô ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội MB Bank. Việc hợp tác này đã giúp tập đoàn Hà Đô thuận lợi hơn trong việc phát triển các dự án bất BĐS của mình và những khách hàng của tập đoàn Hà Đô sẽ có được sự ưu đãi với việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng MB Bank.
Mới đây nhất là hợp đồng ký kết giữa Công ty Eurowindow và Công ty CP Đầu tư đô thị An Hưng. Theo đó, Eurowindow sẽ cung cấp hệ thống cửa sổ, cửa đi và vách ngăn cho 600 biệt thự KĐT An Hưng với tổng giá trị 98 tỷ đồng, thi công vách nhôm kích dự án Vietcombank Tower. Eurowindow sẽ thi công hạng mục này trong thời gian 08 tháng kể từ tháng 7/2011.
Về lâu dài, giải pháp từ nguồn tín dụng ngân hàng là sớm hình thành ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển độc lập trong ngân hàng thương mại hoặc liên kết với ngân hàng thương mại để bảo lãnh phát hành hay trực tiếp phát hành trái phiếu, chứng chỉ BĐS hoặc chứng khoán hóa nguồn vốn cho thị trường.
Sự hợp tác giữa chủ đầu tư và các ngân hàng đem lại cho ngân hàng những đối tác tin cậy, các dịch vụ được sử dụng rộng rãi hơn và có thêm nguồn khách hàng vốn là khách mua sản phẩm của chủ đầu tư. Đồng thời, góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Vì vậy, các ngân hàng nên cân nhắc việc cho vay đối với các doanh nghiệp BĐS, không vì chạy theo cuộc đua giảm tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất mà “đóng lại” các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp có tiềm năng.
(Theo Tamnhin.net)
- 0
- By Admin
- 04/07/2011
- 17