Hợp tác Nhà nước - tư nhân trong phát triển hạ tầng: Thiếu quy định phù hợp
Trước đây, nguồn vốn chủ yếu mà Việt Nam đầu tư để phát triển hạ tầng là ngân sách nhà nước và vốn ODA. Tuy vậy, vốn ngân sách nhà nước thì có hạn, còn ODA nếu quá lạm dụng sẽ dẫn tới nợ nần nước ngoài. Vì thế, một giải pháp khác là huy động vốn tư nhân đã được Việt Nam xác định là hướng đi cần được chú trọng.Không thiếu vốn
Theo Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2006 - 2010, nhu cầu vốn cho toàn xã hội là 140 tỷ USD, bình quân mỗi năm là 28 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng khoảng 25 tỷ USD (400 ngàn tỷ đồng).
Trong khi đó, Việt Nam hiện đang thu hút được khoảng 250 ngàn tỷ đồng mỗi năm, bằng 50 - 60% nhu cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước dành khoảng 6 tỷ USD trong ngân sách cho đầu tư phát triển, mặc dù đã chiếm 30% ngân sách nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu.
Do đó, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hệ thống đường cao tốc, bao gồm cả cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt, một số lĩnh vực rất cần vốn như: hệ thống cảng hàng không, cảng biển ...
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-ĐT) cho biết, đến nay đã có khoảng 80 dự án PPP được triển khai dưới dạng BOT hay tương tự ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 90 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó có khoảng 8 dự án của nước ngoài với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Đặc biệt, rất nhiều dự án lớn và quan trọng theo mô hình PPP đã xuất hiện như các dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây của Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam với vốn đầu tư từ hàng trăm triệu đến trên 1 tỷ USD/dự án.
Những ví dụ này cho thấy việc ứng dụng mô hình này đã có dấu hiệu rất khả quan và dường như chỉ cần một cơ chế phù hợp thì sự thiếu hụt vốn trong đầu tư phát triển hạ tầng sẽ được đáp ứng bằng nguồn vốn tư nhân cả trong và ngoài nước lên đến hàng tỷ USD.
Nhưng cần "bà đỡ"
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tự Nhật - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT), ngoài một vài dự án thành công, còn lại hầu hết các dự án BOT đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều vướng mắc, đồng thời chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm hình thức này.
Các quan chức của Bộ KHĐT cho rằng, đó là do các quy định pháp lý của Việt Nam hiện chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa tính hết được các tình huống phát sinh trong thực tế.
Hiện nay, hầu hết các dự án PPP ở Việt Nam đều được vận hành theo quy trình các nhà đầu tư đề xuất, tính toán, giải trình và cơ quan quản lý chấp thuận.
Ông Đặng Huy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý Đấu thầu (Bộ KH-ĐT) khẳng định, chính cách làm này đã gây ra nhiều vấn đề bất cập cho cả Nhà nước và nhà đầu tư.
Do không phải là người lập dự án nên cơ quan quản lý có thể thiếu thông tin khiến việc quyết định các quy định trong hợp đồng có thể gây thiệt hại cho Nhà nước. Ngược lại, cũng có thể thiếu thông tin mà các bước đi được quyết định chậm, không chính xác khiến nhà đầu tư gặp khó khăn.
Do đó, ông Ben Darch - Chuyên gia quốc tế về PPP cho rằng, Chính phủ cần có trách nhiệm là phải làm tốt công tác thiết kế, tính toán khả thi về mặt tài chính, khả năng chịu đựng phí dịch vụ của người dân... để định được mức lợi nhuận trước khi kêu gọi đầu tư.
Theo ông Ben Darch, vốn đầu tư các dự án đến từ nhiều nguồn như: vốn tự có của nhà đầu tư, vốn vay, vốn huy động qua thị trường vốn... trong đó, vốn nhà đầu tư thường chỉ khoảng 30%, còn lại là đi vay. Vì thế, để đảm bảo huy động được vốn cho các dự án PPP, sự tham gia của Nhà nước là rất quan trọng.
Mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) đã ra đời và được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước chậm hoặc đang phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
- 0
- By Admin
- 20/09/2008
- 17