Hong Kong, Trung Quốc: Sống trong nhà “siêu nhỏ”, “siêu nguy hiểm”
Chính quyền Hong Kong cuối tuần trước cho biết vào tháng 10/2011 sẽ công bố kế hoạch cải tổ chính sách sử dụng đất và nhà ở. Tuyên bố được đưa ra sau khi bà hỏa viếng thăm một khu nhà siêu nhỏ làm bốn người chết và dư luận phẫn nộ. Khu nhà tập thể bị cháy cao tám tầng tại khu Kowloon được chia thành những căn hộ chỉ chừng 9m2, thậm chí có “căn hộ” rộng chưa đến 3m2 nhưng được kê đến ba chiếc giường. Những người thuê nhà cho biết họ chẳng thể tìm được đường thoát thân trong khi các nhân chứng khác nói rằng lối thoát hiểm bị khóa.
“Không còn chỗ cho người nữa rồi!”
Hiện tượng nhiều gia đình Hong Kong đang phải chen chúc trong những căn hộ chỉ rộng vài mét vuông là rất phổ biến. “Không còn chỗ cho người ở nữa rồi” - bà Yang Lian Chun than trời khi nhìn quanh căn nhà rộng 14m2 mà bà đang sống cùng chồng và hai con tại Sham Shui Po, khu Kowloon. Căn nhà hầu như đã bị các vật dụng như bàn ghế, giường, tủ lạnh choán hết chỗ và lỗ thông hơi duy nhất là một khung cửa sổ nhỏ xíu dính trên tường. Dù giá thuê nhà mỗi tháng mất 500 USD thu nhập của gia đình, song bà Yang cho biết không tìm được căn nhà nào tốt hơn nữa.
Vấn đề là từ giá nhà ở. Giá nhà trung bình ở Hong Kong đã nhảy vọt 76% kể từ cuối năm 2008 trong khi chính quyền mới đây tuyên bố cần 20.000 căn hộ cá nhân mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới nhằm ổn định thị trường nhà đất. Mức thu nhập không thể đua kịp đà tăng giá nhà, chưa kể các yếu tố khác như đầu cơ.
Thu nhập trung bình của các gia đình Hong Kong trong tháng 3/2011 là 2.451 USD, trong đó 50% có thu nhập 2.500 USD/tháng và chỉ 4,2% có thu nhập trên 12.500 USD/tháng. Nếu mỗi gia đình tiết kiệm 20% thu nhập, họ phải mất 18 năm mới có thể trả được... tiền cọc cho căn nhà mơ ước.
Nguy cơ lớn nhất của những căn nhà siêu nhỏ ở Hong Kong là thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn. Trước nhu cầu quá lớn về nhà ở, các chủ đất hám lợi đã không ngần ngại phớt lờ các quy định phòng chống cháy nổ và các yêu cầu khác về xây dựng. Một số chủ nhà thậm chí còn tận dụng lối thoát hiểm để làm chỗ cho thuê bất chấp an toàn của những người thuê nhà.
Cần thay đổi chính sách nhà đất
“Thật ra Hong Kong không hề thiếu đất - chuyên gia địa ốc Chau Kwong Wing của ĐH Hong Kong cho biết - Vấn đề là chính sách sử dụng đất không bắt kịp các thay đổi của xã hội”.
Còn theo bà Alice Poon - tác giả quyển sách Đất đai và tầng lớp thống trị ở Hong Kong, chính quyền hạn chế quyền sử dụng đất nhằm thu lợi nhờ giá nhà đất cao. “Việc chính quyền phụ thuộc vào lợi nhuận bán đất để bảo đảm tài chính là gốc rễ của vấn đề trong chính sách đất đai và nhà ở”.
Bên cạnh đó, lãi suất thế chấp thấp chỉ khoảng 2% hiện nay ở Hong Kong cũng góp phần đẩy giá nhà đất tăng cao.
Theo giới phân tích, giải pháp hiện nay là phải nới rộng quỹ đất dành cho nhà ở và phát triển các khu vực dân cư. Khoảng 7% diện tích của Hong Kong được sử dụng xây nhà ở. Rừng, đầm lầy bao phủ một diện tích khoảng 67%. Đặc khu trưởng Hong Kong Donald Tsang thừa nhận “giải quyết (mâu thuẫn) cung và cầu đất đai là giải pháp dài hạn của vấn đề nhà ở”.
Trước đó, chính quyền Hong Kong mới chỉ tung ra các biện pháp kinh tế nhằm hạ nhiệt giá nhà như nâng mức đặt cọc tối thiểu, giảm vốn vay và đánh thuế để ngăn đầu cơ.
Cuộc khủng hoảng nhà ở đang tác động tiêu cực lên xã hội. “Một số thanh niên không có khả năng mua nhà và họ không có chỗ để ở. Có nghĩa họ không thể kết hôn. Và chính sách về nhà ở không hiệu quả” - Helen Yip nói khi tham gia một cuộc biểu tình hồi đầu tháng.
Khảo sát cho thấy các vấn nạn kinh tế như địa ốc, lạm phát... đẩy mức tín nhiệm của dân chúng vào chính quyền tụt xuống mức thấp kỷ lục.
(Theo TTO)
- 130
- By Admin
- 22/07/2011
- 17