Hơn 400 hộ dân tại Đà Nẵng bị cấm quyền chuyển nhượng sổ đỏ
Đây là các hộ vốn được chính quyền hỗ trợ một phần tiền mua đất ở trước đó.
Gia đình ông Võ Lợi sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ chừng 73m2, nằm sâu trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Ngôi nhà này là nơi trú ngụ trước đây của 15 con người thuộc 4 thế hệ nhà ông Lợi.
Ông lợi cho biết, sống một thời gian dài nhưng thấy quá chật chội nên mấy đứa con và cháu tôi xin tách ra riêng rồi thuê nhà để ở. Hiện tại, nhà còn lại 9 người. Tương tự, gia đình bà Võ Thị Vân (em ruột ông Lợi) hiện nay cũng sống trong cảnh nghèo khó, chật chội.
Ông Ngô Tấn Vinh, cán bộ chính sách phường Chính Gián cho biết, ông Võ Lợi là con liệt sĩ thuộc diện gia đình chính sách nhưng hiện chỗ ở quá chật chội, trong khi đó chưa một lần được nhận hỗ trợ cải thiện nhà ở, đất ở... vì vậy, trong quá trình đi khảo sát đánh giá lại chất lượng sống của người dân trên địa bàn, chính quyền phường Chính Gián đã đề xuất đưa hộ ông Lợi vào diện được hỗ trợ một phần tiền sử dụng đất theo đề xuất của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP. Đà Nẵng.
Khi nhận được thông tin trên, gia đình ông Lợi rất vui mừng. Tháng 11/2014, gia đình ông Lợi và gia đình bà Vân nhận được quyết định hỗ trợ tiền sử dụng đất của TP. Đà Nẵng. Ông Lợi cũng như bà Vân được TP bố trí bán một lô đất 100m2 tại khu dân cư phía nam sông Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) với đơn giá 1,134 triệu đồng/m2, ngoài ra TP còn hỗ trợ thêm 32 triệu đồng cho mỗi hộ. Theo ông Lợi, trừ số tiền hỗ trợ của Nhà nước, ông phải chạy vay thêm hơn 81 triệu đồng nữa mới lấy được sổ đỏ.
Trưởng phòng người có công (Sở Lao động - thương binh và xã hội Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Châu cho hay, đến nay có tổng cộng 404 hộ gia đình chính sách trên địa bàn được TP. Đà Nẵng xét duyệt và đồng ý hỗ trợ tiền sử dụng đất với mức cao nhất 45 triệu đồng/hộ, thấp nhất là 32 triệu đồng/hộ. Trong số này, có khá nhiều hộ đóng đủ tiền và đã lấy sổ đỏ.
Thế nhưng, khi cầm được sổ đỏ trong tay, các hộ gia đình chính sách ở Đà Nẵng mới ngã ngửa khi trong sổ đỏ có dòng ghi chú với nộ dung: Hộ dân được bố trí đất phải tiến hành xây dựng nhà ở trong vòng 24 tháng kể từ ngày nhận đất và không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức, trong vòng 24 tháng nếu không xây dựng nhà ở thì thu hồi lô đất được bố trí.
Ông Võ Lợi cho xem tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi chú “không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức”. Ảnh: Đ. Nam |
Theo ông Võ Bang (tổ 13, phường Chính Gián), sau khi có sổ đỏ trong tay, ông mang ra ngân hàng thế chấp để lấy tiền về làm nhà, tuy nhiên cán bộ ngân hàng cho rằng sổ đỏ của ông không có giá trị bởi trong sổ ghi chú rõ ràng là không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức. Cũng giống như vậy, ông Lợi cũng không thể đem vay ngân hàng để dựng nhà.
Thậm chí, phó chủ tịch UBND phường Chính Gián Ngô Chính Công cũng cảm thấy đây là một sự vô lý. Ông Công cho rằng, nguồn đất được ghi rõ trong sổ đỏ là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng là lâu dài. Trong khi đó, bên dưới sổ có hàng ghi chú như cấm chuyển nhượng là hết sức vô lý, vì người dân bỏ tiền đến hơn 70% để mua lô đất mà lại tước quyền sở hữu đó đi là không đúng.
Liên quan đến vấn đề này, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Đà Nẵng Thái Đình Hoàng giải thích, để hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất được TP bố trí cho các gia đình chính sách nên chính quyền TP quyết định ghi rõ trong sổ đỏ dòng ghi chú như vậy, đây là chủ trương triển khai từ năm 2008 đến nay. Nhưng qua nghiên cứu lại thì thấy quy định này không phù hợp nên đã kiến nghị lãnh đạo TP xem xét.
Vị này cho biết, hiện tại Sở đang chờ ý kiến kết luận cuối cùng của lãnh đạo TP. Đà Nẵng.
Đang đề nghị Sở LĐ-TB&XH đề xuất hướng xử lý
Mới đây, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn TP. Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh cho hay, ban đầu chủ trương của TP là mong muốn các hộ chính sách nghèo có đất làm nhà và không muốn họ bán đất đi để rồi sau này lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
Thế nhưng sau đó, TP cũng nhận thấy rằng có nhiều hộ gia đình thật sự khó khăn và nhiều gia đình chính sách neo đơn cần tiền để trang trải cuộc sống tuổi già nên đã linh động cho họ chuyển đổi lại sổ đỏ để họ được thế chấp, sang nhượng.
Vừa qua, TP cũng nhận được một số đơn kiến nghị của các hộ chính sách, vì vậy, lãnh đạo TP giao cho Sở Lao động - thương binh và xã hội TP đang nghiên cứu đề xuất hướng xử lý sao cho hợp tình hợp lý đối với vấn đề này.
Vi phạm điều cấm của Luật đất đai 2013
Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho hay, pháp luật về đất đai hiện hành không có quy định nào được viện cớ miễn, giảm tiền sử dụng đất để tước đoạt hay áp đặt điều kiện quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất.
Với các hộ dân được cấp giấy sử dụng đất ở theo diện Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất như vậy thì họ có đầy đủ các quyền về sử dụng, chuyển nhượng, tặng cho hay thừa kế...
Chính vì vậy, việc ghi vào những nội dung ràng buộc thêm điều kiện, hạn chế quyền như vậy là không đúng pháp luật. Trong trường hợp TP. Đà Nẵng tự hạn chế, áp đặt các quyền của người dân như vậy là vi phạm điều cấm tại Khoản 10, Điều 12 Luật đất đai 2013 đó là cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- 162
- By Admin
- 26/09/2015
- 17