• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hỏi về thủ tục nhập khẩu?

Trả lời:

Công dân là cha, mẹ, người đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có thể làm thủ tục nhập hộ khẩu cho trẻ em.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật cư trú thì “Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

a) Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Ra nước ngoài để định cư”;

Do bạn không nêu cụ thể cha mẹ bạn sang nước ngoài với mục đích gì, thời gian là bao lâu nên việc nhập hộ khẩu cho em của bạn có thể xem xét theo hai trường hợp như sau:

1. Trường hợp cha mẹ bạn ra nước ngoài với mục đích định cư.

Trong trường hợp này, theo quy định nêu trên thì cha mẹ bạn thuộc diện phải xóa đăng ký thường trú tại Việt Nam.

Theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 4 Điều 11 Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú, Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú thì “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú”;

“Quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định thì Công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an quận, huyện, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương tiến hành xóa đăng ký thường trú”.

Như vậy, nếu như cha mẹ bạn ra nước ngoài đã quá thời hạn nói trên mà vẫn còn có tên trên sổ hộ khẩu là không đúng pháp luật. Khi đó, bạn sẽ là người duy nhất trong gia đình có tên và đóng vai trò là chủ hộ trong sổ hộ khẩu (nếu bạn đã thành niên).

Mẹ bạn và em bạn muốn trở về sinh sống lâu dài tại Việt Nam cần phải thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam. Trong trường hợp này, để có thể nhập hộ khẩu với bạn, mẹ bạn và em bạn cần có được sự đồng ý của bạn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú thì: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của ngư­ời có sổ hộ khẩu, ng­ười đ­ược ng­ười có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký th­ường trú”. Do vậy, bạn (hoặc mẹ của bạn - nếu có văn bản đồng ý của bạn) đều có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú cho mẹ và em bạn.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điểm khi tiến hành thủ tục đăng ký thường trú như sau:

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú trong nước), kèm theo Giấy giới thiệu do phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp.

Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam có dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu” (điểm đ, e Điều 6 Thông tư số 52/2010/TT-BCA).

Nếu như mẹ bạn không tiếp tục định cư ở nước ngoài và trở về Việt Nam trước thời hạn tiến hành thủ tục xóa đăng ký thường trú thì mẹ bạn vẫn được coi là đăng ký thường trú hợp pháp tại Việt Nam. Khi đó, theo quy định tại Điều 13 Luật cư trú thì: “Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống”. Do vậy, mẹ bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú - nhập hộ khẩu cho em của bạn.

2. Trường hợp cha mẹ bạn ra nước ngoài vì lý do nào đó và không nhằm mục đích định cư (ví dụ như đi thăm thân nhân, đi chữa bệnh…) thì cha mẹ bạn vẫn có quyền cư trú hợp pháp và có tên trong sổ hộ khẩu thường trú lâu dài tại Việt Nam. Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 107/NĐ-CP “trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em đ­ược đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, ng­ười nuôi d­ưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký th­ường trú cho trẻ em đó”. Do vậy, mẹ bạn hoặc bạn (đã thành niên) - với tư cách là người đại diện gia đình đều có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú cho em của bạn.

Như vậy, nếu như cha mẹ bạn vẫn đăng ký thường trú lâu dài tại Việt Nam, bạn đã thành niên và có tư cách là người đại diện cho gia đình thì bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú - nhập hộ khẩu cho em của bạn.

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà

(Theo VnExpress)

  • 150
  • By Admin
  • 17/08/2011
  • 17