Hồi ức về phố cũ Hà Nội
Gia đình tôi dọn về đây được ba bốn tháng thì Giải phóng Thủ đô. Trước đó, nhà tôi ở trong một con ngõ nhỏ, tít trên phố Phan Đình Phùng, tại tầng hai của một biệt thự nhỏ. Chung quanh ít người Việt mình ở lắm, nên nó còn được liệt vào loại "ngõ Tây". Thuê ở đấy để tiện cho bố tôi đi làm, thung dung mươi phút đi bộ là tới nơi làm việc trong vườn Bách thảo.
Thế rồi Pháp mở mặt trận Điện Biên Phủ. Chúng tôi biết được chủ yếu là qua báo chí nước ngoài, còn trong nội thành đưa tin ít lắm. Thảo hèn, độ này đêm nào xe cộ của nhà binh Pháp cũng đi về rầm rập, làm nhiều người thức giấc. Dồn dập nhất có lẽ là trong những ngày Pháp lúng túng tại mặt trận này. Một ông bạn cũ, tình cờ gặp bố tôi, khi nghe qua tình hình ăn ở như vậy thì mời gia đình tôi xuống ở nhà ông. Ông có nhiều nhà, hiện bỏ không một căn nhà mặt phố. Ông bảo: "Các bác cứ xuống đấy mà ở, tình hình này nguy hiểm lắm nếu bác ở gần bọn Tây, nó mà thua rồi sinh sự thì phiền cho mình". Bố tôi nghe cũng có lý, bàn bạc với gia đình và dọn xuống đây từ khi ấy.
Phố Hàng Quạt trên bưu thiếp của Pháp thế kỷ 19 (Ảnh tư liệu)
Đó là phố Hàng Quạt, tên thời Pháp thuộc là Rue des Eventails. Có một dạo cái phố thẳng góc với nó, hiện nay mang tên Lương Văn Can cũng gọi là Hàng Quạt, còn phố này lại mang tên là Hàng Đàn. Phố dài không quá ba trăm mét và không có đến một trăm số nhà. Đây cũng là một trong những phố cổ của Hà Thành xưa, từng có tên trong bài "Rủ nhau đi khắp Long Thành, ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai". Phố này chỉ có những ngôi nhà nhỏ, mặt nhà không quá ba mét, mái ngói, cửa sổ nhỏ tí trên tầng hai. Công trình nổi tiếng ở phố này là Nhà Trí Tri, trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức hồi đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà hai tầng này xây từ năm 1911, đến nay đã qua gần một thế kỷ.
Tôi có nhiều kỷ niệm với ngôi nhà này. Thứ nhất, đó là nơi bố tôi đã từng học tiểu học; thứ hai, đó là ngôi nhà liền kề gần nhất, hàng xóm của nhà tôi. Sau này, đây cũng là trường trung học cơ sở về ban ngày, trường bổ túc văn hoá về ban đêm, là nơi hội họp, niêm yết danh sách cử tri của phường, nơi bầu cử. Ngôi nhà này xây dựng có thiết kế đàng hoàng, và ưu điểm của nó là có thể tạo ra được phòng rất lớn, khi nhấc bỏ các vách ngăn bằng gỗ ra. Hồi tôi còn ở đấy thì chỉ có một xí nghiệp duy nhất là Nhà dệt Cự Doanh, sau này đổi thành Dệt may Thăng Long. Tôi còn quên nói là tại đây có một ngôi đền khá thiêng, đó là đền Dâu, có dây mơ rễ má với đền Dâu ở tận Bắc Ninh. Ngày đầu tháng, ngày rằm, người đến đây lễ bái cũng đông lắm.
Phố Hàng Gai 2005. Ảnh: Claude Millet
Ngôi nhà tôi ở cũng vào loại đẹp của phố, vì xây dựng sau này, theo kiểu mới, nhà hai tầng mái bằng. Tuy nhiên, qua bảy tám chục năm, lại quá tải vì nhiều hộ sử dụng, không được sửa chữa gì nên xuống cấp nhiều. Từ năm 1988, gia đình tôi không còn ở đấy nữa. Bây giò, mỗi khi có dịp đi qua phố, bao nhiêu kỷ niệm của gần bốn chục năm tại đây diễn ra như một cuốn phim quay chậm. Nơi đây, tôi đã trải qua thời học sinh, sinh viên, lập gia đình và sinh con. Cha mẹ tôi cũng mất tại ngôi nhà này. Chỉ tội là quá chật chội, nên không thể ở đây với những kỷ niệm ấy mãi được.
Theo Afamily
- 270
- By Admin
- 12/06/2009
- 17