Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng: Vết nứt hầm Thủ Thiêm là đáng quan ngại
Tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho biết, phần lớn các vết nứt trên thân hầm Thủ Thiêm nhỏ 0,15mm, lác đác có vết từ 0,2-0,3mm. Thông thường chiều rộng vết nứt không vượt quá giới hạn cho phép quy định với điều kiện thi công công trình này là dưới 0,1mm, không phải xử lý, nếu lớn hơn thì xử lý bằng keo. Đơn vị tư vấn cũng đưa ra hướng xử lý dưới 0,1mm không cần xử lý, lớn đến 0,3mm thì phủ keo, lớn hơn 0,3mm phải bơm keo vào vết nứt. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, cần phải xem xét kỹ mức độ ảnh hưởng tới kết cấu và khả năng phát triển của các vết nứt. Nếu khả năng chịu lực kết cấu bị ảnh hưởng, phải có cách xử lý đặc biệt.
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, những vết nứt này là “đáng quan ngại” chứ không đơn giản như phía tư vấn đề xuất. Ở cả 4 đốt hầm xuất hiện nhiều vết nứt trên tường biên, tường trong, bản đỉnh và bản đáy. Có một số vết nứt xuyên đã bị nước thấm qua. Đặc biệt, nguyên nhân xuất hiện các vết nứt chưa được xác định mặc dù đã được phát hiện và được cảnh báo từ khá sớm. Tính từ đầu năm đến nay, tổ Chuyên gia và Cơ quan thường trực Hội đồng đã có 4 đợt kiểm tra hiện trường thi công các hạng mục công trình của dự án này. Hội đồng đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu khảo sát, phân loại vết nứt; làm rõ nguyên nhân của từng loại vết nứt; kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của vết nứt tới khả năng chịu lực, khả năng chống thấm và tuổi thọ của hầm dìm và trên cơ sở đó có biện pháp xử lý triệt để. Chủ đầu tư và các nhà thầu đã có báo cáo Hội đồng nhưng chưa làm rõ được nguyên nhân chính gây nứt và chưa đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của vết nứt đến khả năng chịu lực, khả năng chống thấm và tuổi thọ của hầm dìm. Được biết, cả 4 đốt hầm dìm đã được đúc xong tại bãi đúc, đang chờ lai dắt và đánh chìm xuống lòng sông.
Ngoài 4 đốt hầm chìm, hầm hở chữ U hầm Thủ Thiêm cũng đang bị lún quá mức cho phép và chưa có dấu hiệu kết thúc. Tổ chuyên gia Hội đồng đã yêu cầu nhà thầu tư vấn phải thiết kế lại và sử dụng các biện pháp gia tải và giải pháp móng cọc hợp lý để xử lý lún có hiệu quả. Riêng vết nứt tại vị trí đầu dầm xuất hiện ở một số dầm Super-T ứng lực sau, mặc dù nhà thầu đã xử lý xong, nhưng tổ Chuyên gia Hội đồng đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu tiến hành thử tải để đánh giá chất lượng.
Đối với dự án Đại lộ Đông -Tây, trong đó hầm Thủ Thiêm là một hạng mục, Hội đồng cũng cảnh báo về khả năng mất an toàn của hệ đà giáo phục vụ thi công các cầu trên tuyến. Cơ quan Thường trực Hội đồng và Tổ Chuyên gia đã lưu ý chủ đầu tư và các nhà thầu về độ an toàn của hệ thống đà giáo phục vụ thi công cầu trên tuyến với các cột chống nhỏ. Chất lượng loại đà giáo này là khó kiểm soát một cách chặt chẽ. Vì vậy, nhà thầu phải thường xuyên quan trắc lún của hệ đà giáo trong quá trình thi công để bảo đảm an toàn, tránh sự cố bất ngờ. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 840/VPCP-KTN ngày 25-8-2008, trong tháng 9-2008, Hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chi tiết hơn về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng của công trình này.
- 0
- By Admin
- 08/09/2008
- 17