• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hội chứng cấp phép sân golf ngoài quy hoạch tiếp tục bùng phát

Hội chứng cấp phép sân golf ngoài quy hoạch tiếp tục bùng phát | ảnh 1
Sân golf thường chiếm diện tích đất rất lớn ở vị trí đẹp nhất. Ảnh: TỰ TRUNG

Cách đây 2 năm, chuyện cấp phép tràn lan các dự án sân golf đã trở thành vấn đề nóng, được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Thế nhưng, kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Kế hoạch  - Đầu tư (Kh-đt), tình trạng cấp phép sân golf ngoài quy hoạch lại tái diễn, nhiều địa phương tiếp tục đề nghị xây sân golf.

Lại phá vỡ quy hoạch?

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước chỉ còn 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố (cắt giảm 76 dự án sân golf, từ 166 xuống còn 90, thu hồi 15.600ha đất. Trong 90 dự án còn lại sau đó được đề nghị rút 5 dự án ra khỏi quy hoạch).

Nhưng Bộ KH-ĐT cho biết vừa qua nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng bổ sung các dự án sân golf hoặc dự án trong đó có sân golf vào quy hoạch.

Các tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đắk Lắk... đề nghị được bổ sung 12 dự án sân golf nữa, đồng thời đưa 27 dự án mới vào quy hoạch. Như vậy, quy hoạch sân golf sẽ nâng thành con số 124. Đó là chưa tính đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có tới 5 dự án sân golf và đều nằm ngoài quy hoạch.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2010, Bộ KH-ĐT phối hợp với các Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ, Tài chính tiến hành điều tra liên ngành rà soát lại các dự án sân golf.

Kết quả kiểm tra cho thấy trong tổng số 90 dự án sân golf trong quy hoạch, hiện mới có 24 sân golf hoạt động, 25 dự án đang xây dựng, số còn lại mới ở giai đoạn được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp nhận chủ trương đầu tư.

Điều đáng chú ý, trong các dự án sân golf, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf thuần túy, 69 dự án còn lại chủ yếu kết hợp với kinh doanh bất động sản và du lịch. Vì thế, trong tổng diện tích đất quy hoạch cho 90 dự án sân golf, có tới 51% diện tích dành cho khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại đi kèm sân golf, diện tích dành cho sân golf chỉ chiếm hơn 40% (6.358/15.653ha), 8% là xây biệt thự.

Có nhiều dự án chiếm đất lớn như Tam Nông (Phú Thọ) hơn 2.000ha, nhưng diện tích xây dựng sân golf chỉ gần 172ha; dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) tổng diện tích hơn 1.200ha nhưng sân golf chỉ chiếm 222ha; dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái Quan Sơn (Hà Nội) hơn 1.700ha, diện tích dành cho sân golf chỉ trên 161ha…

Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành về quy hoạch sân golf cho thấy hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hiện nay chủ yếu từ kinh doanh bất động sản (bán và cho thuê biệt thự) và bán thẻ hội viên. Bởi nếu chỉ kinh doanh dựa trên việc thu phí chơi golf khoảng 100USD/ngày/lượt, hiệu quả chắc chắn không cao!

Quy hoạch “mềm” hay “cứng”

Từ kết quả kiểm tra, Bộ KH-ĐT đã đề xuất với Thủ tướng 3 phương án về quy hoạch sân golf trong thời gian tới. Phương án 1, giữ nguyên số lượng sân golf trong quy hoạch của Thủ tướng đến năm 2020, nhưng rút khỏi danh mục 5 dự án treo, bổ sung 5 sân golf đang nằm ngoài quy hoạch (đã được cấp phép trong các năm 2006-2008 nhưng địa phương không báo cáo nên không có trong quy hoạch).

Theo Bộ KH-ĐT, 5 dự án này không sử dụng đất nông nghiệp, hoàn toàn là đất cát hoang hóa ven biển và đang được xây dựng.

Thực hiện theo phương án 3 sẽ là một bước lùi về quản lý nhà nước. Kết quả kiểm tra của Bộ KH-ĐT cho thấy rõ ràng đã có tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” ở một số địa phương khi có tới 27 sân golf nằm ngoài quy hoạch và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Nếu chấp nhận sự “đổ vỡ” quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt, đây sẽ là một tiền lệ rất xấu trong thực hiện kỷ cương quản lý nhà nước.

Ông Trần Đức Thành, Viện Nghiên cứu phát triển
Vì thế, phương án này sẽ ít gây dư luận vì vẫn thực hiện đúng số lượng trong quy hoạch. Tuy nhiên, nếu theo phương án này, hàng năm vẫn phải điều chỉnh và bổ sung quy hoạch nên tính ổn định dễ bị phá vỡ, vì nhiều địa phương sẽ xin bổ sung. Phương án 2, bổ sung 6 dự án (trong đó có 5 dự án đã nêu trong phương án 1).

Theo phương án này quy hoạch đến năm 2020 sẽ là 96 sân golf. Phương án thứ 3, điều chỉnh tổng thể một lần, nâng hẳn số sân golf trong quy hoạch đến năm 2020 lên con số 118 và quy hoạch cứng con số này; trong đó có 85 sân golf trong quy hoạch, bổ sung 33 sân golf nằm ngoài danh mục quy hoạch.

Bộ KH-ĐT cho rằng theo phương án này, cả thời kỳ dài sẽ không phải bổ sung quy hoạch và theo đó quy hoạch không bị phá vỡ. Hơn nữa, số sân golf cũng tương đương với số sân golf của các nước láng giềng như Philippines (100 sân), Malaysia (hiện có 230 sân và đến năm 2020 sẽ là 300 sân), Singapore (15 sân), Campuchia (4 sân), Lào (5 sân).

Bộ KH-ĐT cũng đề nghị được trực tiếp quản lý về mặt nhà nước quy hoạch sân golf và sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, điều chỉnh, bổ sung các dự án sân golf trong bản quy hoạch 118 sân golf để trình Chính phủ quyết định, trước khi giao cho địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy đưa ra 3 phương án nhưng Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án 3 quy hoạch cứng 118 sân golf.

Lập lờ golf và bất động sản

Trên thực tế, việc Việt Nam nên có bao nhiêu sân golf là phù hợp đã từng được thảo luận rất nhiều và là vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội 2 năm trước. Trong bối cảnh nước ta đang mở cửa hội nhập kinh tế, việc phát triển sân golf để phục vụ các nhu cầu về thể thao, du lịch và thương mại - đầu tư là cần thiết.

Bản thân sân golf không có tội. Các dự án sân golf bị công luận lên án vì chiếm đất nông nghiệp; phát triển tràn lan gây ô nhiễm môi trường; tạo bất bình đẳng xã hội… Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đầu ngành địa chính, quy hoạch, kiến trúc, nông nghiệp, môi trường… cho rằng đó không phải là những hệ quả của sân golf, mà do cách làm.

Thực tế nhiều sân golf nhưng không phải là sân golf mà là các dự án biệt thự, nhà ở. Nếu việc quản lý không cẩn thận sẽ biến thành các khu đô thị con. Vì thế, trước khi phê duyệt sân golf cơ quan quản lý nên biết diện tích đất trên đầu người ở Việt Nam đang thuộc dạng thấp nhất châu Á, nên nguyên tắc là phải tiết kiệm đất đai. Sân golf là một loại hình thể thao được hưởng nhiều ưu đãi, kể cả thuế. Nếu kinh doanh bất động sản trong sân golf, thuế và các cơ chế phải khác.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Ông Nguyễn Phương, một nhà nghiên cứu độc lập, cho biết hiện nay trên thế giới có khoảng 2.000 sân golf. Nếu Việt Nam dừng lại ở con số 90 theo đúng quy hoạch, sân golf Việt Nam chiếm 4,5%. Còn nếu tăng lên 118 sân đến năm 2020, sân golf Việt Nam chiếm 5,9%.

So với thế giới, đây là tỷ lệ không thấp. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta vẫn còn thấp nhưng đã vượt xa nhiều nước trên thế giới về số lượng sân golf.

Nước Pháp giàu có nhưng chỉ có 40 sân, bằng 44,5% so với nước ta hiện nay và bằng 38,89% so với 118 sân golf đến năm 2020. Trước câu hỏi “dừng hay thêm” các dự án sân golf, theo ông Phương nên dừng là đúng.

Điều đáng lo ngại là bản chất của việc phát triển ồ ạt các dự án sân golf vừa qua không phải vì kinh doanh thể thao, mà đằng sau là những lợi ích về bất động sản. Kết quả kiểm tra các dự án golf cho thấy chỉ có 40% diện tích đất được sử dụng làm sân golf, 60% còn lại là cho các hạng mục bất động sản.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư, sai lầm lớn nhất là quản lý lỏng lẻo đã biến chủ trương phát triển một môn thể thao quý tộc thành kinh doanh bất động sản. Ông Mại cho rằng có thể cho kinh doanh bất động sản, nhưng phải tách bạch và đánh thuế thật nặng để điều tiết lợi nhuận của nhà đầu tư.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích sân gofl; chỉ quy hoạch các dự án sân golf ở các khu vực trung du, miền núi; kiên quyết không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất làm sân golf sang xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh bất động sản. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã lách bằng cách cho thuê nhà ở, biệt thự ở các dự án sân golf với thời hạn 30-40 năm!

(Theo ĐTTC)

  • 0
  • By Admin
  • 21/07/2011
  • 17