Học làm quy hoạch
PV: Thưa ông tại sao chúng ta đã có các quy định về nhà ở và quy hoạch, nhưng các đô thị của chúng ta vẫn chưa được như mong muốn?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính Phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) mới ban hành ngày 23/6/2010 qua đã rút kinh nghiệm được nhiều điều nhưng vẫn còn một số điểm cần cụ thể hóa thêm nữa.
Theo tôi, các nhà làm chính sách cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước. Ví dụ như Hồng Kông (Trung Quốc), cả hòn đảo này đều là chung cư và họ đang quản lý rất tốt. Trong khi đó, chúng ta vẫn đang loay hoay với bài toán quản lý nhà chung cư, nhà tái định cư, người dân thì nháo nhác.
Làm quản lý đòi hỏi phải am hiểu thực tế. Chẳng hạn, theo thói quen, với người mua nhà ở tầng 1, nếu tiện thì lập tức họ sẽ mở cửa hàng. Vậy tại sao ngay từ đầu chúng ta không quy hoạch luôn các cửa hàng?
Đến Trung Hoà - Nhân Chính, tôi thấy tiếc, ở đây có phố, mà không thể đi phố được, mưa không biết trú vào đâu, và cửa hàng thì không có mái hiên, nhà thì thụi lụi, thòi ra, thụt vào.
Theo tôi, đáng nhẽ phía trên vẫn cứ là building, còn phía dưới nên thiết kế liền thành một dãy phố đi bộ, có hẳn mái hiên che nắng, che mưa cho bà con đi dạo phố, mà vẫn mua được hàng.
PV: Ông có nói, về quy hoạch Hà Nội nên học Thượng Hải. Vậy hai thành phố có gì tương đồng? Hà Nội có thể học gì từ Thượng Hải để tạo quỹ đất cho quy hoạch?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Đối với Thượng Hải, Tp.HCM đã cử đoàn sang học hỏi về quy hoạch Phố Đông để làm quận Thủ Thiêm. Bởi giữa Thủ Thiêm và Phố Đông ở Trung Quốc có những nét tương đồng.
Khi tới Thượng Hải, chúng tôi có hỏi về nguồn vốn từ đâu để có thể quy hoạch Phố Đông hoành tráng như thế? Họ trả lời là đều lấy từ đất.
Ở ta cũng lấy tiền từ đất nhưng lại là bán đất nền. Trong khi giá đất nền khi chưa có hạ tầng thì chẳng được bao nhiêu.
Theo tôi, chúng ta nên vay tiền làm hạ tầng trước, giống như tạm ứng vốn đi buôn.
Thượng Hải là thế. Khi đã làm xong hạ tầng rồi họ mới mang ra đấu giá những khu đất. Khi đó, các nhà đầu tư mới thấy giá trị của từng khu đất nên tranh nhau trả giá cao.
Hà Nội quyết định bỏ tiền mở đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, khi làm xong giá đất hai bên đường tăng vọt. Tuy nhiên tiền lại chảy vào túi tư nhân, Nhà nước bỏ vốn nhưng chẳng thu lại được đồng nào. Tại sao? Bởi chúng ta không tính toán một chiến lược quy hoạch cụ thể.
Chúng ta đang bị đô thị hoá dọc đường.
PV: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn đề đô thị hóa dọc đường?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Nguyên nhân của đô thị hóa dọc đường hiện nay được gọi là “kinh tế không chính thức và kinh tế mặt tiền”, chúng ta đang chiều theo hướng này nhưng lại không có biện pháp quản lý.
Theo tôi, ở những đô thị huyện lỵ trong quy hoạch sắp tới, chúng ta cần làm hạ tầng trước rồi mới đưa dân vào. Bên cạnh đó, khi làm những con đường cấp quốc gia cần để mỗi bên một dải đất khoảng 20m, trồng cây, trồng hoa. Như vậy chúng ta mới có thể ngăn được đô thị dọc đường.
Nếu tiếp tục chiều theo xu hướng để người dân tự do xây nhà, hàng quán… ra mặt đường thứ nhất về mỹ quan đô thị sẽ không đạt. Thứ hai những vấn đề về ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại các khi đô thị huyện lỵ sẽ tiếp diễn bởi không có một quy hoạch hạ tầng cụ thể, hệ thống cấp nước, cống thoát nước kém hoặc không có, người dân sẽ mạnh ai lấy làm mà không ai chịu trách nhiệm gì…
Những kinh nghiệm này, bản thân nước ta, rồi các nước cũng đã đều vấp phải, bởi vậy khi xây dựng và thực hiện quy hoạch chúng ta cần phải tính toán kỹ./.
(Theo VOVNews)
- 0
- By Admin
- 21/09/2010
- 17