Hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực BĐS sẽ sôi động
M&A ngày càng gia tăngThống kê của Công ty AVM Vietnam tại Báo cáo M&A Vietnam 2010 - 2011 cho thấy, bất động sản là một trong những ngành có số thương vụ và giá trị chuyển nhượng lớn nhất tại Việt Nam, sau lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tài chính.
Mới đây nhất, Công ty Bất động sản VinaLand - VNL (Tập đoàn VinaCapital) đã bán toàn bộ cổ phần trong Dự án Quốc tế (dự án phát triển nhà ở cho dân cư ở quận 9, Tp.HCM), với giá bán gần 10,9 triệu USD. Trước đó, tháng 11/2010, Quỹ Đầu tư bất động sản VinaLand (Tập đoàn VinaCapital) thông báo bán 85% phần vốn Dự án Khu phức hợp Mandarin Garden tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) do Công ty cổ phần Golden Gain Việt Nam làm chủ đầu tư.
Cuối năm 2010, tập đoàn tài chính toàn cầu ORIX đã tham gia 25% cổ phần với Indochina Capital. ORIX sẽ là đối tác chiến lược của Indochina Capital trong việc mở rộng hoạt động quản lý quỹ và các dịch vụ tư vấn tại Việt Nam.
Cũng theo Báo cáo M&A Vietnam 2010 - 2011, năm 2010, đã diễn ra hàng loạt hoạt động M&A lớn. Cụ thể, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Prudential Vietnam đã mua lại phần vốn góp của Công ty Vina Development Inc (Hàn Quốc) để đầu tư Dự án căn hộ Blooming Park (vừa được đổi tên thành Imperia An Phú) đang được xây dựng tại phường An Phú (quận 2, Tp.HCM); SJS ký hợp đồng mua lại 60% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Thương mại Thăng Long do Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng - Đầu tư phát triển nhà nắm giữ; Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Đất Xanh mua lại dự án của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng và triển khai dự án căn hộ cao 14 tầng Phú Gia Hưng Apartment tại quận Gò Vấp (Tp.HCM) với 234 căn hộ cao cấp; Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Nam Long Bitexco chi 8 triệu USD để có được cao ốc 10 tầng trên khu đất diện tích 4.350 m2 trên đường Võ Văn Tần (Tp.HCM) từ Công ty cổ phần Kỹ Thuật Việt…
Lý do nào để M&A?
Việc huy động vốn khó khăn được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động M&A bất động sản tăng mạnh. Ông Troy Griffiths, Giám đốc Toàn quốc, Bộ phận Nghiên cứu và Định giá của Savills Việt Nam, cho rằng, rất nhiều chủ đầu tư trong nước có sẵn quỹ đất nhưng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do đó, xu hướng liên kết với các đối tác bên ngoài sẽ diễn ra mạnh mẽ, không chỉ trong năm 2011 mà cả những năm tiếp theo.
Một lý do quan trọng khác, theo ông Griffiths, là xuất phát từ sự trưởng thành của thị trường bất động sản Việt Nam. “Thị trường Việt Nam từ trước đến nay chỉ đơn giản là mua bán đất hoặc phát triển các dự án căn hộ cơ bản. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường đòi hỏi các chủ đầu tư phải cung cấp các sản phẩm có giá trị hơn cho người tiêu dùng. Do đó, việc chứng khoán hóa, tái cấu trúc lại công ty, lập các quỹ huy động vốn sẽ khiến cho hoạt động M&A diễn ra nhiều hơn,” ông nói.
Trên thực tế, các doanh nghiệp xem M&A là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Theo lãnh đạo Công ty Kinh Đô, việc rút vốn tham gia xây dựng tòa nhà SJC Tower là để tập trung vốn vào các dự án trọng điểm khác trong lĩnh vực thực phẩm, sáp nhập các công ty thực phẩm khác vào Kinh Đô và đầu tư các dự án bất động sản nhà ở của mình. Vụ chuyển nhượng này đã đem về một khoản lợi nhuận 425 tỉ đồng cho Kinh Đô.
Giải thích cho lý do rút vốn khỏi dự án Quốc Tế, ông David Henry, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Bất động sản của VinaCapital, cho biết, với giá hiện tại, khoản đầu tư này đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và việc chuyển nhượng sẽ giúp Quỹ có thêm tiền để rót vào các dự án khác và thực hiện cam kết trả tiền mặt cho cổ đông trong năm nay. VinaLand cho biết, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ trước thuế của Dự án là 31%.
Khi được hỏi có phải thị trường khó khăn là nguyên nhân khiến Vina Development rút vốn khỏi dự án Imperia An Phú, ông Wooseok Ki, Tổng Giám đốc Inveskia, chủ đầu tư dự án này, cho biết: “Lý do nhà đầu tư Hàn Quốc rút vốn là nhằm cơ cấu lại các hạng mục đầu tư của họ tại khu vực châu Á để phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại”.
Sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường
Theo ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty AVM Vietnam, nguyên nhân của sự gia tăng các thương vụ M&A trong ngành bất động sản là do sự khởi sắc của thị trường bất động sản tại Việt Nam trong những năm qua, thể hiện ở tốc độ tăng giá bất động sản, cũng như dòng vốn đổ vào lĩnh vực này.
Còn theo nhận xét của ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, thời gian qua, đã diễn ra khá nhiều thương vụ M&A tại các dự án bất động sản. Tuy nhiên, phần lớn thương vụ đều do chính các doanh nghiệp trong nước mua lại của doanh nghiệp trong nước, hoặc doanh nghiệp trong nước mua lại các dự án của công ty nước ngoài.
Khẳng định xu hướng M&A là tất yếu trên thị trường, ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu thị trường (Công ty Savills Vietnam) cho rằng, quy mô thị trường đã lớn lên rất nhiều kể từ năm 2007. Trong xu thế thị trường đang mở rộng, sân chơi cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn, buộc những người chơi là các chủ đầu tư phải suy nghĩ nhiều hơn trong hoạt động đầu tư.
điểm đáng lưu ý trong năm 2010 là, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng là đối tượng ưa thích cho các giao dịch phát hành riêng lẻ. Điển hình cho xu hướng này là trường hợp Dragon Capital trở thành đối tác chiến lược của Sacomreal, hay việc Quỹ SAM công bố đầu tư vào Century, Temasek mua trái phiếu chuyển đổi của Hoàng Anh Gia Lai.
Nhận định về xu hướng M&A ở lĩnh vực bất động sản trong năm 2011, ông Đặng Xuân Minh cho biết, hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản và M&A liên quan đến doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gia tăng cả về số thương vụ, cũng như giá trị.
“Các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ góp phần tái cấu trúc, sàng lọc các chủ đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án”, ông đặng Xuân Minh khẳng định.
(Theo Đầu Tư)
- 0
- By Admin
- 29/01/2011
- 17