Hoạt động M&A BĐS tại Tp.HCM sôi động trong nửa đầu năm
Mua bán dự án BĐS: Khối nội không lép vế
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, thị trường BĐS Việt Nam đã ghi nhận hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám chủ yếu ở Tp.HCM. Trên cơ sở đó, các nhà phân tích dự đoán, nửa cuối năm nay, xu hướng này sẽ tiếp diễn với khối ngoại tham gia nhiều hơn, tốc độ giao dịch nhanh hơn nhằm đón đầu thời kỳ thị trường BĐS Việt Nam “rã băng”.
Báo cáo thị trường BĐS tại Tp.HCM trong quý II/2015 của CBRE Việt Nam cho thấy, cuối tháng 3 năm nay, tập đoàn địa ốc Hoàng Quân đã bỏ ra 950 tỷ đồng thâu tóm Dự án Royal Tower ngay tại trung tâm quận 7 từ Công ty BĐS Đông Dương. Trong cùng thời điểm, 2 công ty BĐS tới từ Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad và Hankyu Realty đã “bắt tay” với Công ty Nam Long nhận chuyển nhượng toàn bộ Dự án Flora Anh Đào với giá 24,5 triệu USD.
Khi nhắc đến các “đại gia” địa ốc phía Nam chuyên mua lại dự án, phải kể tới Tập đoàn Địa ốc Đất Xanh. Công ty này từ đầu năm tới nay thường xuyên thông báo các phương án thâu tóm dự án. Điển hình là thương vụ thâu tóm Dự án Water Garden tại quận Thủ Đức từ Công ty Phát triển Hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI). Hay một dự án khác có quy mô xây dựng khá lớn lên tới 7,5 ha tại khu vực tiềm năng ở quận 9. Địa ốc Đất Xanh cũng đã nhận chuyển nhượng vốn góp từ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Xuân Định để hoàn thiện lộ trình thâu tóm Dự án chung cư Tam Đa.
Trong nửa đầu năm, hoạt động M&A BĐS tại Tp.HCM diễn ra sôi động |
Địa ốc Đất Xanh giữa tháng 5/2015 lại thông báo sẽ mua lại Dự án cao ốc văn phòng và căn hộ Thế kỷ 21 của Công ty CP Thế kỷ 21 ở quận 7. Sau đó, ngày 23/6/2015, tập đoàn này đã thống nhất và chấp thuận việc nhận chuyển nhượng toàn hộ cổ phần từ Công ty Phát triển Lộc Phước Thịnh để được quyền phát triển Dự án Chung cư cao tầng tại phường Tân Kiểng, quận 7.
Về khối ngoại, mở màn cho hoạt động này là vụ việc Lotte nhận chuyển nhượng Diamond Plaza ngay trung tâm quận 1 trong tháng 3/2015. Tháng 6 vừa qua, Indochinaland đã chuyển nhượng Dự án căn hộ dịch vụ Riverside ở quận 2 cho Tập đoàn Gaw Capital (HongKong) với tổng giá trị 24,9 triệu USD. Hiện tại, Tập đoàn Adventus cũng đang tiến hành thương lượng để thâu tóm Dự án VRG Riverview (quận 1) từ Công ty Vinacon JV RCC với hợp đồng trị giá là 43,5 triệu USD.
Làn sóng chuyển nhượng dự án mới
Một chuyên gia về M&A lý giải, giới đầu tư ngoại vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào đà hồi phục của thị trường, nhất là vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường hiện vẫn chưa được cải thiện. Vì thế, họ chọn phương thức “mua đứt bán đoạn” những dự án BĐS đã hoàn thiện hoặc đang thi công dang dở để thâm nhập vào thị trường BĐS một cách nhanh nhất.
Ông Toshifumi Iwaguchi, Giám đốc điều hành Công ty Recof Nhật Bản nhận định, những thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản hiện đang mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số thương vụ tham gia góp vốn để nâng tỷ lệ sở hữu (nắm giữ lượng nhỏ cổ phần), mua lại (nắm giữ lượng lớn cổ phần) đang ngày cành gia tăng và không có giới hạn. Đó chính là một làn sóng đầu tư theo hình thức M&A mới vào Việt Nam của không chỉ riêng Nhật Bản mà cả các quốc gia khác như Hàn Quốc, Đức, Singapore... đang có những bước đi chiến lược như vậy.
Còn theo Tổng giám đốc CBRE Việt Nam Marc Townsend, doanh nghiệp BĐS nội địa đã trãi qua một quá trình phát triển khá dài và đầy thử thách. Nhờ đó, họ đủ sức cạnh tranh với những công ty đa quốc gia, từ việc triển khai dự án, thiết kế tới khả năng đầu tư những khu đô thị, phức hợp lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp BĐS Việt Nam đã bắt đầu làm chủ và nắm phần thắng trong những thương vụ M&A khá lớn với các đối tác ngoại.
- 0
- By Admin
- 01/07/2015
- 17