Hoàn thiện danh sách các trường đại học tại Tp.HCM di dời trong 2012
Theo đó, Các trường có vị trí và cơ sở vật chất không phù hợp với hoạt động đào tạo đại học, cao đẳng được chuyển đổi chức năng sử dụng đất thành các chức năng khác của đô thị. Đến năm 2025, giảm quy mô đào tạo trong nội thành xuống còn khoảng 150.000 sinh viên.Theo Bộ Xây dựng, các trường nằm trong khu nội thành không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất trên 45 m2/sinh viên, gồm công trình thể chất và ký túc xá hoặc trường đáp ứng được chỉ tiêu sử dụng đất nhưng đất hiện có không lớn hơn 2 ha thì được xem xét để di dời.
Với các trường mà cơ sở vật chất không đảm bảo diện tích các công trình về thể chất như sân thể thao, thư viện, cây xanh… hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị thì cũng được xem xét để di dời.
Tuy nhiên, với các trường có lịch sử phát triển lâu dài sẽ xem xét giữ lại một phần hay toàn bộ, hạn chế chuyển đổi sang các chức năng khác. Các cơ sở trường này sẽ được khống chế quy mô đào tạo theo quỹ đất và cơ sở vật chất hiện có của trường, số lượng còn lại phải di chuyển sang cơ sở đào tạo mới.
Bên cạnh đó, các trường văn hóa nghệ thuật, đào tạo quy mô nhỏ được xem xét từng trường hợp cụ thể để có thể giữ lại trong khu vực nội đô.
Đối với đất ở trường cũ trong nội đô, theo Bộ Xây dựng, một phần đất của trường cũ được đưa ra bán đấu giá để tạo nguồn vốn xây dựng trường mới. Trường mới cách trung tâm không quá 30 km.
Nguồn vốn để xây trường mới được huy động từ tiền bán một phần đất ở trường cũ, Nhà nước hỗ trợ vay vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ưu đãi, thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT...
Tại khu quy hoạch trường mới, cần có quỹ đất phát triển khu đô thị. Quỹ đất này có thể gắn với địa điểm xây dựng các trường đại học hoặc khu vực lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên có thể dùng để ở, phục vụ tốt công tác giảng dạy.
Tại Tp.HCM, sẽ hình thành mới khoảng 2.600 ha đất xây dựng các trường đại học, cao đẳng, đáp ứng cho 250.000 sinh viên. Các cụm đại học được xây dựng ngoài khu vực nội thành về phía tây bắc thành phố thuộc các huyện Hóc Môn và Củ Chi khoảng 660 ha, khu vực đông bắc thuộc quận 9 khoảng 200 - 250 ha và phía nam thuộc huyện Bình Chánh, Nhà Bè khoảng 740 ha.
- Giai đoạn năm 2011-2012: Hoàn chỉnh danh sách các trường phải di dời. Lập các quy hoạch, đề án, chương trình di dời các trường cũ, xây trường mới, cải tạo trường cũ; xác định quỹ đất cụ thể và lập quy hoạch xây trường mới. - Giai đoạn năm 2012-2015: Làm hạ tầng đến khu xây trường theo quy hoạch. - Giai đoạn năm 2015-2020: Làm hạ tầng kỹ thuật và xây các khu ĐH tập trung để giãn các trường từ trong nội đô. - Giai đoạn năm 2020-2025: Cải tạo các trường giữ lại trong nội đô, phát triển các trung tâm đào tạo chất lượng cao. (Trích tờ trình của Bộ Xây dựng) |
(Theo PLTP)
- 0
- By Admin
- 08/08/2011
- 17