Hoài niệm chốn cũ
Căn hộ không được anh thường xuyên sử dụng bởi hàng tuần anh đều phải đi - về giữa hai đầu Sài Gòn và Đà Nẵng. Xen giữa đó là những chuyến công tác nước ngoài dày đặc. Nhưng không phải vì đó mà căn hộ không được quan tâm như một tổ ấm đích thực. Và không chỉ có yêu cầu căn hộ ở một vị trí trung tâm thuận tiện cho việc đi lại, vừa phải để tiện nghi sinh hoạt hay tạo cảm giác ấm cúng - vẫn thường được đưa ra như một công thức - là đủ đối với anh. Dù đây có thể chỉ là một “điểm dừng chân” trên hành trình xê dịch cùng công việc, nhưng với vị gia chủ, một khi anh đã gọi là “nhà” thì anh phải cảm thấy mình thuộc về nó. Như thế, trong khoảng thời gian hai năm chờ đợi để nhận căn hộ cũng là chừng ấy thời gian anh cân nhắc giữa các concept thiết kế nơi này. Cuối cùng thì phong cách contemporary đã được chọn bởi anh muốn có sự khác biệt mang tính đối lập với không gian sống vintage của anh tại Đà Nẵng. Sự đối lập đó với anh như một thay đổi mang tính tích cực về môi trường sống để luôn đem lại sáng tạo không ngừng nghỉ.
Với hoạt động lâu năm trong ngành khách sạn và là người yêu thích thiết kế nội thất, anh thường xuyên tham gia vào công việc thiết kế cải tạo các hạng mục của khu resort lớn mà anh đang làm Phó Tổng giám đốc điều hành. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm nội thất cho căn hộ của chính mình lại không dễ dàng chút nào. Anh cũng từng dành hàng giờ mỗi ngày chỉ ngắm bản vẽ của căn hộ và hình dung nó sẽ như thế nào, sắp xếp ra sao, viết ra những nhu cầu của mình - một người bận rộn với nhiều di chuyển nhưng lại có sở thích tụ tập và nấu ăn cho bạn bè. Tất cả các vị trí, góc cạnh của căn hộ diện tích 69m2 này đã được tận dụng nhưng vẫn rộng thoáng vì cách bài trí đề cao tính kết nối. Khu vực liên thông phòng khách - bếp và bàn ăn đủ rộng rãi và dễ chịu để người nấu bếp vẫn có thể trò chuyện với khách mời ở bên ngoài.
Không phải ngẫu nhiên mà ở góc phía trên đầu giường ngủ lại được anh chọn treo những bức tranh chim chóc, trên một nền giấy dán tường có họa tiết những cành và lá cây. Thêm nữa, một chiếc gương hình oval được treo trên mảng tường vuông góc. Bởi khi ngọn đèn xanh yêu thích của anh được bật lên, những hình ảnh từ tranh và tường sẽ được phản chiếu. Đâu đó trong khoảnh khắc này, anh như tìm được về với tuổi thơ của những ngày ở quê. Về với những lần anh nằm gác chân lên cửa sổ, nơi có bức rèm vải thêu hình chú chim đậu trên cành. Bức rèm của Mẹ. Bức rèm gắn bó suốt mười mấy năm của thời niên thiếu, gắn bó với những khó khăn của gia đình trong thời bao cấp. Một món đồ ngỡ đơn giản mà đi sâu vào tiềm thức, bởi nó là xa xỉ với hoàn cảnh khi đó, nhưng lãng mạn. Một chi tiết khác là bức tường kính ngăn giữa phòng ngủ và phòng khách. Bức vách kính vốn giúp phòng ngủ thoáng hơn đã được anh dán lên đó hoa văn những vòng tròn, có thể mở tầm nhìn thông suốt giữa hai khu vực. Tuy nhiên, một lý do khác để anh chọn những hoa văn này, đó là khi nhìn qua bức vách, anh như được gợi nhớ về bức bình phong có những ô tròn ở ngôi nhà cũ. Những chi tiết nhẹ nhàng nhưng đã kể được câu chuyện nhiều cảm xúc của gia chủ về ký ức nơi mái nhà xưa.
Khả năng tận dụng không gian căn hộ thể hiện qua những ngăn kéo dưới giường được chia ô bên trong có thể sử dụng để chứa cà vạt, thắt lưng hoặc những món đồ nhỏ khác; góc đọc sách trong phòng ngủ với ngăn đựng sách và các tạp chí yêu thích; chiếc sofa bed ba chỗ ở phòng khách có thể dễ dàng trải ra làm chỗ ngủ lại cho khách mang họa tiết sọc đan chéo nhiều màu theo kiểu Missoni, tạo thành kết nối hài hòa với rèm cửa màu vàng và cây đèn đứng do gia chủ tự chọn vải làm chao đèn. Ở một góc khác rất được gia chủ yêu thích trong căn hộ là những bức hình do anh chụp trong suốt những chuyến đi trong nước cũng như ở nước ngoài, được treo trang trọng trên mảng tường sau sofa ở phòng khách. Như ghi dấu chặng đường anh đã đi qua, để nơi này trở thành một không gian sống đúng nghĩa với nhiều gắn kết và luôn bàng bạc gam màu cảm xúc thân thương.
- 218
- By Admin
- 10/10/2013
- 17