Hòa hợp kiến trúc với thiên nhiên
Người Việt nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng luôn có tâm niệm sống sao cho hòa hợp với thiên nhiên, nương tựa vào và thuận theo thiên nhiên. Nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm ướt, mưa gió thất thường điều đó đã tác động rõ rệt đến kiến trúc các công trình cổ của Bắc Ninh. Kiến trúc thiết kế của các ngôi đình chùa ở đây thường theo một lối “kiến trúc mở”, thông thoáng, vừa ngăn được tia nắng bức xạ mặt trời, vừa có thể ngăn chăn được mưa bão, tạo cho con người có cảm giác mát mẻ. Ở các làng, ngôi đình được mang đậm truyền thống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vì vậy thế đất và hướng đình của các làng ven sông thường quay mặt ra bờ lõm của khúc sông, bên bồi của đất, bao giờ đình làng cũng ở vị trí đẹp nhất, có tầm nhìn mở rộng, phóng khoáng và thường ở trung tâm làng. Mái đình thường được thiết kế theo kiểu xà thấp xuống bất ngờ cong vút lên, thanh thoát ở bốn đỉnh đao, vừa tạo cảm giác gợi nhớ hình ảnh con thuyền - cuộc sống của người dân sông nước. Còn các ngôi chùa, tìm một nơi cảnh đẹp để xây dựng là điều người ta quan tâm trước hết, coi chùa như một viên ngọc quý đặt trên thảm và luôn lấy cảnh thiên nhiên để làm nền cho kiến trúc. Ở các ngôi chùa cổ mặt bằng trải rộng, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy nó giống như đình, nó không phát triển theo chiều cao mà lan tỏa theo chiều rộng như tạo sự hòa tan cùng với con người và thiên nhiên, tạo cho người ta cảm giác êm đềm, tĩnh mịch. Và những ngôi chùa hoặc đình dù có lợi thế về thiên nhiên hay cải tạo thiên nhiên thì dường như đều đã điểm đúng điểm đắc địa, nơi hội tụ thiên khí, tạo ra bộ mặt của làng quê, góp phần làm cho cảnh quan của làng quê bừng sáng. Tuy không đồ sộ về chiều cao nhưng đình, chùa của Bắc Ninh thường được kiến trúc theo kiểu “soi bóng trên mặt nước” tạo nên sự nhân đôi và thơ mộng. Nước được coi là đặc trưng trong kiến trúc cổ truyền, là khởi nguồn của mọi hạnh phúc. Nước ở chỗ trũng, ở chỗ dưới nên mang yếu tố âm, còn công trình kiến trúc thường nổi lên được xem là yếu tố dương. Quần thể kiến trúc âm- dương hòa hợp tượng trưng cho mọi loài sinh sôi phát triển. Vì vậy một công trình kiến trúc dù lớn hay nhỏ đều phải thiết kế sao cho phù hợp với thiên nhiên, có trước có sau, có ngòi bãi cao, có ngòi dài hồ rộng…tạo sự sáng sủa, có tầm nhìn rộng, phía sau kín đáo, được bảo vệ, hai bên tự do. Vì vậy ta không lạ gì khi đền miếu thường được đặt ở những nơi khung cảnh êm đềm, quyến rũ. Màu sắc tự nhiên luôn là nền tảng của hệ thống kiến trúc cổ của các ngôi đình, đền, chùa ở đây. Ngoài 3 màu nguyên chất: vàng, đỏ, then (thiếp vàng, sơn ta mài son, then) còn lại phần lớn là màu sắc tự nhiên như: màu xám của ngói nung, màu nâu nhạt của gỗ, nâu đỏ của vách gạch trầm và gạch nền… tạo nên sự giản dị mà tao nhã. Ngày nay, sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các vùng miền khác nhau, nhiều nước khác nhau, tạo cho kiến trúc có những bước phát triển đa dạng, vượt bậc nhưng bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ đó, chúng ta vẫn phải giữ gìn và thừa kế những tinh hoa của ông cha để lại, giữ gìn một nền kiến trúc Bắc Ninh đậm đà bản sắc dân tộc. |
Theo Báo Xây dựng |
- 379
- By Admin
- 20/02/2009
- 17