HoREA đề xuất các giải pháp về tín dụng BĐS
Công chứng cho vay mua nhà trên giấy
Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho biết, vào thời điểm cuối năm vừa qua, nhiều cơ quan công chứng (thuộc Bộ Tư pháp), Cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã từ chối công chứng hoặc đăng ký thế chấp những hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai với lý do là chưa có hướng dẫn của Bộ chủ quản.
Vì thế, các ngân hàng thương mại không thể triển khai được các hoạt động nhận thế chấp, cấp tín dụng theo nhu cầu của khách hàng. Điều đó đã gây ách tắc cho thị trường BĐS bởi số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai hiện đang chiếm tỷ lệ cao trong giao dịch và nhu cầu rất lớn của chủ đầu tư cần phải thế chấp dự án nhà ở để vay tiền đầu tư.
Hơn nữa, quy định trên còn làm ngưng trệ hoạt động giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hiện nay đang hỗ trợ hiệu quả cho người thu nhập thấp sống ở đô thị tạo lập nhà ở.
Do đó, ngày 22/2, HoREA đã có công văn kiến nghị với những cơ quan quản lý về vấn đề trên. Cụ thể, HoREA thống nhất với Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tư pháp ban hành văn bản chỉ đạo các văn phòng công chứng, phòng công chứng thực hiện công chứng đối với hồ sơ thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, hồ sơ thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo đúng các quy định pháp luật về công chứng.
Mới đây, HoREA đề xuất giải quyết vụ ngừng cho vay mua nhà trên giấy. Ảnh minh họa |
Đồng thời, hiệp hội cũng thống nhất với Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng và khách hàng tiến hành đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan Nghị định 99/2015 theo hướng cho phép thế chấp nhà ở có sẵn song chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).
Về vấn đề này, HoREA nhận thấy đối với nhà ở có sẵn song chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì việc cấp bách cần giải quyết là Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn thủ tục cũng như quy định điều kiện để cấp giấy hồng cho chủ sở hữu để bảo đảm cơ sở pháp lý cho chủ sở hữu nhà ở thực hiện đầy đủ những quyền và nghĩa vụ của mình.
Bên cạnh đó, hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chỉ đạo, xem xét giải quyết vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật. Bởi vì, đối với nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp sổ hồng thì không có cơ sở pháp lý để tiến hành thế chấp nhà ở, nếu cho phép thế chấp nhà ở có sẵn song chưa được cấp giấy hồng thì có thể dẫn tới một nhà ở thế chấp nhiều nơi.
Hoãn sửa đổi Thông tư siết tín dụng
Mới đây (ngày 2/2/2016), Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo sửa đổi, bổ sung mộ số điều của Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
HoREA lý giải, việc gia tăng tín dụng vào thị trường địa ốc trong thời gian qua cũng là điều bình thường bởi thị trường vừa hồi phục từ cuối năm 2013 tới nay sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng kéo dài. Ngoài nguồn cung tín dụng, còn có thêm nguồn kiều hối đổ vào đây. Riêng tại Tp.HCM, năm 2015 có khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó có khoảng 23% được chuyển vào thị trường BĐS.
Hiệp hội nhận thấy, thị trường địa ốc đang phụ thuộc rất lớn vào hai nguồn vốn là nguồn vốn huy động từ khách hàng và nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Mà nguồn vốn huy động từ người mua nhà phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng.
Vì thế, nếu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo đúng hướng như đã nêu trên thì có thể sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường BĐS mới vừa hồi phục hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Đó là tác động rất mạnh tới các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), những doanh nghiệp phát triển dự án nhà đất (sụt giảm nguồn cung, làm tăng các dự án, sản phẩm dở dang). Đặc biệt, trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi tới khách hàng là những người thu nhập thấp đô thị và cũng sẽ tác động tới các ngành, nghề có liên quan tới thị trường địa ốc...
Vì thế, HoREA đề xuất một số giải pháp để làm giảm những ảnh hưởng trên tới thị trường BĐS, đặc biệt là tránh tác động tâm lý đầu tư của người mua nhà, doanh nghiệp.
Cụ thể, phương án 1 là chưa sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN vì các lý do sau: Thông tư này mới được triển khai thực hiện một năm và đang phát huy tác dụng tích cực tới nền kinh tế và góp phần củng cố đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường địa ốc, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp nên cần được tiếp tục triển khai. Đặc biệt là hiện tại chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2016.
Song, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có những nguồn thông tin dẫn tới yêu cầu bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 thì Hiệp hội đề nghị triển khai theo hướng có lộ trình phù hợp với "từng nhóm đối tượng" và "theo lộ trình giảm dần" theo như dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.
Phương án 2 là sửa đổi, bổ sung Khoản 5, Điều 17, Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn theo tỷ lệ tối đa ngân hàng thương mại 50%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài 50% (dự thảo sửa đổi Thông tư quy định tỷ lệ đều 40%).
Ngoài ra, HoREA đề nghị xếp "Các khoản phải đòi để kinh doanh địa ốc" vào "Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%" thay vì là 250% như đã quy định trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
- 0
- By Admin
- 23/02/2016
- 17