Hỗ trợ bà con vùng dự án
Khu tái định cư của vùng dự án |
Để chuẩn bị cho công tác xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Nhân Cơ, khu vực mặt bằng nhà máy sản xuất alumina, khu vực khai thác quặng bauxite... hiện TKV đã đền bù giải phóng mặt bằng 265ha đất của 216 hộ dân, đang và sẽ đền bù tiếp khoảng 782 ha đất của khoảng 545 hộ dân. Số hộ dân yêu cầu tái định cư khoảng 83 hộ.
Căn cứ vào Chương trình phối hợp hành động giữa tỉnh Đăk Nông và TKV: Chính quyền địa phương các cấp chủ trì, TKV tham gia xây dựng quy hoạch các cụm dân cư đô thị và các buôn làng trong vùng dự án khai thác mỏ bauxite, sẽ có sự lồng ghép quản lý chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của TKV. Trên cơ sở đó, TKV sẽ đảm nhận đầu tư một phần quan trọng cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, hệ thống cấp thoát nước trong vùng dự án để dùng chung cho công nhân, người lao động và cộng đồng dân cư.
Với nội dung như vậy, TKV đã có cả một chương trình hành động, áp dụng đối với từng khu vực cụ thể. Ví dụ, đối với các buôn làng trong khu vực khai thác mỏ bauxite, nếu không thể tái định cư được, trên cơ sở sự chấp thuận của chính quyền địa phương, TKV có thể thỏa thuận với dân để tái định cư tại chỗ với nguyên tắc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác mỏ (thuê nhân công tại chỗ tham gia hoàn thổ, cải tạo đất), vừa tạo thuận lợi cho người dân có việc làm và thu nhập, vừa bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các buôn làng.
Theo ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV, chủ trương đầu tư trách nhiệm xã hội của TKV theo nguyên tắc thị trường nhưng gắn liền sinh kế bền vững với xóa đói giảm nghèo. Người nghèo trở thành đối tác kinh doanh, khách hàng và nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, TKV đã và đang xúc tiến hàng loạt các công việc như: đầu tư góp phần tri thức hóa cộng đồng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ được coi là nguồn nhân lực có giá trị chiến lược trong phát triển bền vững công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên. Con em các gia đình giao đất cho dự án và con em đồng bào các dân tộc thiểu số được ưu tiên trong việc tuyển chọn trước cho đi học nghề, cao đẳng, đại học ở trong nước và nước ngoài.
Trong hai năm 2007 – 2008, TKV đã tuyển và cấp 100% kinh phí đào tạo nghề kỹ thuật tại Đăk Nông cho 317 học sinh (trong vùng dự án Đăk R’Lâp 146 em, 13 em thuộc các dân tộc thiểu số); học nghề tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho 288 em, trong đó có 169 em từ các hộ dân vùng dự án Bảo Lâm, 29 em thuộc các dân tộc thiểu số. Đã cấp học bổng toàn phần (theo quy chế) cho 64 sinh viên thuộc tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng sang học đại học (48 sinh viên) tại Đại học Bách khoa Côn Minh và học hệ cao đẳng (16 em) chuyên ngành luyện kim tại Trường Cao đẳng Luyện kim Côn Minh – Trung Quốc. Đặc biệt, TKV đã tuyển một lớp 11 sinh viên con em các hộ gia đình vùng dự án với đầu vào thấp hơn điểm sàn thi đại học tại Việt Nam sang Đại học Bách Khoa Côn Minh học nghề mỏ luyện kim.
Mặt khác, TKV còn dự định tham gia hàng loạt các chương trình như: Lập Quỹ đầu tư phát triển cộng đồng với nguồn vốn được hạch toán trong giá thành sản phẩm, để cho người nghèo vay phát triển sản xuất kinh doanh, tạo lập nghề mới trên cơ sở khai thác các nguồn lực truyền thống (dệt vải dân tộc), tài nguyên thiên nhiên (thác nước, khu bảo tồn, bảo vệ rừng), không gian văn hóa cồng chiêng (khu bảo tàng văn hóa), du lịch sinh thái tại chỗ. Tham gia đầu tư bảo tồn và phát triển các nguồn vốn văn hóa, vật thể và phi vật thể (lễ hội cồng chiêng, sử thi, luật tục cổ – phòng tục tập quán…) để phát triển các dịch vụ văn hóa. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn
Đăk Nông là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên thuộc vùng kinh tế chưa phát triển.Tuy có những bước tăng trưởng về kinh tế – xã hội sau khi tái thành lập tỉnh nhưng nhìn về lâu dài, điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh là không có. Việc xây dựng phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản ĐăkNông bên cạnh những mục đích của các nhà đầu tư, đây còn là dự án trọng điểm liên quan đến đời sống dân sinh của rất nhiều bà con, tác động đến môi trường thiên nhiên, môi trường sống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, do đó, trong quá trình triển khai dự án và vận hành các nhà máy, yêu cầu đầu tiên của TKV chính là đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
- 216
- By Admin
- 23/05/2009
- 17