• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hiệp hội BĐS "lên tiếng" về nạn cò đất lũng loạn thị trường

Xoay quanh thực trạng môi giới lộng hành, chèo kéo khách mua nhà ở những dự án chưa đầy đủ về điều kiện pháp lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tổng thư kí Hiệp hội bất động sản Việt Nam, ông Trần Ngọc Quang.

- Để đẩy nhanh việc kinh doanh các dự án BĐS chưa đủ điều kiện, hiện việc tuyển nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề đang diễn ra rầm rộ tại các sàn giao dịch BĐS. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Thực tế, Hiệp hội bất động sản Việt Nam rất quan ngại về vấn đề này. Từ việc đào tạo đến cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên môi giới đều chưa được giám sát một cách chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt động của những nhà môi giới cũng đang bị lơ là. Những điều này đã dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong việc thông tin, cách marketing, tiếp cận khách hàng và bán hàng.

bất động sảnTổng thư kí Hiệp hội bất động sản Việt Nam, ông Trần Ngọc Quang

- Theo phản ánh của một vài doanh nghiệp, có không ít sàn giao dịch đã hợp tác với chủ đầu tư nhằm đẩy giá nhà lên cao. Tình trạng này có khiến ông lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường BĐS? 

Việc hệ thống nhà phân phối trên thị trường hiện nay phát triển như vậy là rất tốt. Điều này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp hoá trong việc phân phối các sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những nhà phân phối có thương hiệu và uy tín, vẫn tồn tại không ít sàn giao dịch thiếu chuyên nghiệp, làm giảm sút lòng tin của khách hàng đối với dự án cũng như doanh nghiệp. 

Một điều mà chủ đầu tư rất cần phải lưu ý đó là cần lựa chọn những nhà phân phối chuyên nghiệp, có uy tín khi đưa sản phẩm ra thị trường. Không những vậy, chủ đầu tư không nên tuỳ tiện dựa vào giao dịch với bên môi giới để tăng giá bán mà cần xác định được mức giá phù hợp. Nếu không, vô hình chung chính doanh nghiệp đã tiếp tay cho việc đẩy giá nhà của môi giới. Nếu đã bị mất uy tín với người mua như vậy, sẽ rất khó để họ tiếp tục tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản trên thị trường sau này.

- Liệu có biện pháp nào để hoạt động của những nhà môi giới được quản lý chặt chẽ hơn, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi, trước số lượng lớn nhà môi giới như hiện tại, vấn đề đầu tiên đó là nên đưa ra những quy định cụ thể để kiểm tra, quản lý cũng như giám sát hoạt động của họ. Bên cạnh đó, thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề môi giới cũng rất cần được ban hành trong thời gian sớm nhất.

Vấn đề thứ 2, hiện nay việc quản lý sàn giao dịch BĐS quy định với 2 môi giới có chứng chỉ hành nghề, sàn đó đã có đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, số môi giới hoạt động tại mỗi sàn đã lên tới hàng trăm. Tôi cho rằng, tất cả những ai tham gia môi giới hay làm việc ở sàn đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.

Vấn đề tiếp theo, cần duy trì đều đặn việc sát hạch, kiểm tra các nhân viên môi giới. Thời hạn sát hạch đó cũng được quy định trong dự thảo thông tư về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới là 2 năm. Một khi nâng cao được vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp, độ ngũ môi giới mới có thể có sự giám sát cũng như có hoạt động tổ chức. Danh sách những nhà môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề cũng sẽ được Hiệp hội BĐS Việt Nam công bố trên trang web của hiệp hội để người mua nhà cũng như đối tác nắm bắt được thông tin.

Bên cạnh đó, danh sách này cũng sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ Xây dựng để người mua có thể giám sát được những nhà môi giới nào có đủ tư cách dể tham gia hoạt động bán hàng. 

-  Ông có đưa ra lời khuyên gì cho người mua nhà trong thời điểm nhiễu loạn thông tin của thị trường BĐS như hiện nay?

Theo tôi, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị môi giới  và chủ đầu tư xem họ có đủ điều kiện để bán nhà hay không. Sau đó, họ cũng nên thẩm định lại thông tin kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định giao dịch. Việc tham khảo giá ở những dự án tương đương cũng nên được người mua nhà chú trọng để có thể kiểm chứng và so sánh với những thông tin đã được dự án thổi phồng sai sự thật. Điều này sẽ giúp ích cho khách hàng khi tham gia các giao dịch BĐS và hạn chế tối đa rủi ro bị lừa đảo.

- Thưa ông, những điều kiện pháp lý như thế nào là cần thiết đối với một dự án để tham gia ký hợp đồng mua bán, giao dịch BĐS với khách hàng, kể từ sau ngày Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực, 1/7/2015? 

Trong Luật và những văn bản có liên quan đều đã quy định rõ ràng những điều kiện pháp lý để chủ đầu tư được phép tham gia bán hàng. Dù vậy, cần có đảm bảo những yếu tố như sau thì một dự án mới được coi là đủ điều kiện để bán nhà: phải thông báo về dự án BĐS với cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, đối với những dự án bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Sở xây dựng của địa phương. Nếu hồ sơ dự án được Sở xây dựng thông qua thì sẽ được đảm bảo, còn nếu không thì sẽ phải tiếp tục hoàn thiện thêm nhiều thứ.

Bên cạnh đó, thông tin về việc chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, thuế hay chưa cũng cần được tìm hiểu kỹ lưỡng bởi người mua nhà. Trước khi quyết định đặt bút ký hợp đồng, họ cũng nên đề nghị chủ dự án cung cấp tài liệu chứng minh có liên quan. Đó cũng chính là những rào cản đã được đặt ra bởi cơ quan quản lý để kiểm soát cũng như quản lý việc bán nhà.

Xin trân trọng cám ơn ông!

  • 0
  • By Admin
  • 14/08/2015
  • 17