Hệ thống sân golf: Nên có quy hoạch mềm
Phóng viên Báo Đầu tư đã có buổi trao đổi với GS-TSKH. Nguyễn Mại xung quanh các đề xuất gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung quy hoạch sân golf của cả nước đến năm 2020.Thưa ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất ba phương án quy hoạch hệ thống sân golf của cả nước đến năm 2020, trong đó nghiêng về phương án quy hoạch “cứng” 118 sân golf. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Trong lập quy hoạch, thì tín hiệu thị trường, nhu cầu thị trường là điều quan trọng nhất. Nhưng nhu cầu lại là điều không ai lường trước được. Tôi cho rằng, nên có một quy hoạch mềm, với những chỉ dẫn mềm dẻo. Chẳng hạn, nơi nào có nhiều sân golf rồi, như TP.HCM, Đồng Nai, Phú Quốc… thì tới năm 2020 không nên mở thêm sân golf nữa; còn nơi nào có ít, tới đây lại có nhu cầu, thì nên xem xét để họ làm.
Nhưng thưa ông, dư luận những năm gần đây luôn cho rằng, Việt Nam có quá nhiều sân golf, hơn nữa, có nơi còn lấy đất lúa để làm sân golf. Vậy phải làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa một quy hoạch mềm như ông nói và những băn khoăn của dư luận?
Tôi rất phản đối việc lấy đất lúa làm sân golf, vì điều này còn liên quan tới an ninh lương thực. Còn nếu nói về dư luận, thì dư luận cũng phải được hướng dẫn, bởi vì thực ra, sân golf ở mình chưa nhiều. Tôi cho rằng, không thể ngăn cản việc làm sân golf trên đất không trồng trọt được. Chúng ta không thể cản được nhu cầu. Những nơi nào người dân có nhu cầu và có điều kiện làm sân golf trên đất trống, đồi trọc, thì có thể để cho họ làm.
Đúng là sân golf ở mình chưa nhiều, nhất là so với các nước xung quanh. Và qua rà soát thì trong số 90 sân golf đang nằm trong quy hoạch, diện tích đất lúa chỉ chiếm khoảng 2% và hoàn toàn không có đất lúa hai vụ. Nhưng tài nguyên đất của Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, kết quả rà soát cũng cho thấy, rất nhiều dự án kết hợp sân golf với kinh doanh bất động sản, khu du lịch. Giả dụ, Dự án Tam Nông (Phú Thọ), đất dự án là 2.069 ha, trong khi diện tích xây sân golf chỉ là 171,6 ha. Hay Tản Viên (Hà Nội), diện tích dự án là 1.204 ha, trong khi diện tích sân golf là 222 ha… Có thể kể rất nhiều dự án như thế. 69/90 sân golf hiện có trong quy hoạch đều đầu tư “thêm nếm”. Quan điểm của ông ra sao?
Sai lầm lớn nhất của mình chính là như vậy. Người ta đã biến chủ trương phát triển một môn thể thao quý tộc thành kinh doanh bất động sản. Điều đó là không đúng. Các nước trên thế giới không như vậy. Sân golf là sân golf, bất động sản là bất động sản. Không thể có chuyện xin làm sân golf để lợi dụng đó mà kinh doanh bất động sản.
Nhưng nếu chỉ đầu tư sân golf, trông vào bán thẻ hội viên thì hiệu quả đầu tư rất thấp, thưa ông? Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nói như vậy…
Tôi không cho là như vậy. Và không thể lấy cớ kinh doanh sân golf không hiệu quả để đầu tư bất động sản. Cũng có thể cho kinh doanh bất động sản, nhưng phải tách bạch hẳn ra và đánh thuế thật nặng. Cái này cũng có thể áp dụng đối với việc đầu tư, kinh doanh bất động sản trong hiện tại. Phải điều tra xem tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực này là bao nhiêu, từ đó có chính sách thuế phù hợp để điều tiết lợi nhuận của nhà đầu tư
(Theo VIR)
- 0
- By Admin
- 30/05/2011
- 17