Hệ lụy từ việc giá thép tăng phi mã
Việc tăng giá thép phi mã khiến chủ đầu tư và nhà thầu đều đau đầu.
Rất nhiều DN đã tạm hoãn thời hạn xây dựng để nghe ngóng biến động thị trường. Và chính điều này đã khiến nhiều người khóc dở mếu dở, vì sau hơn một tuần chần chừ chờ đợi, giá thép lại bất ngờ tăng chóng mặt. Chỉ nhẩm tính một căn nhà xây riêng lẻ 3,5 tầng sẽ bị đội giá gần trăm triệu đồng. Đó là khu vực xây dựng tư nhân, còn với các dự án quy mô lớn, nếu chần chừ giãn tiến độ thi công thì lại còn lỗ nặng hơn nữa do nhiều yếu tố lãi suất, lạm phát…
Trong khi “chờ đợi để làm rõ nguyên nhân” bức xúc trước tình trạng tăng giá chóng mặt của mặt hàng thép, thì việc tăng giá ảnh hưởng đến tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng là điều không phải bàn cãi. Điều đáng nói là, có rất nhiều DN xây dựng “la làng” rằng họ đang phải đối diện nguy cơ thua lỗ vì giá thép tăng. Đây lại là một câu chuyện phức tạp và có nhiều vấn đề đáng để mổ xẻ, phân tích ở góc độ điều hành thực hiện các hợp đồng kinh tế xây dựng.
Trong đợt sốt thép vừa qua, khảo sát một số DN xây dựng quy mô nhỏ, đều có chung tuyên bố “bó tay trước tình hình” và câu trả lời đều xoay quanh quan điểm là “chúng tôi chưa biết phải đối phó thế nào, vì dừng tiến độ phá vỡ hợp đồng thì chắc chắn bị phạt nặng, còn chạy theo hợp đồng thì chắc sẽ phá sản”. DN xây dựng Bình Minh cho hay, ngay khi lập dự toán để đấu thầu, công ty đã nâng giá dự toán để đề phòng và giảm thiểu ảnh hưởng do trượt giá, nhưng cũng không thể ngờ mức biến động trên thị trường lại cao đến vậy. Cũng đúng bởi rất nhiều DN bị động trước tình trạng giá cả đột biến vì chỉ sau 3 tháng ký hợp đồng thì riêng thép xây dựng đã tăng giá 15%, chưa kể các mặt hàng như cát, gạch ngói đều tăng, nếu giá cả không được điều chỉnh thì thua lỗ là khó tránh khỏi. Nói chung tâm lý bi quan đã nhanh chóng “phủ sóng” lên nhiều DN xây dựng khi giá thép tăng đột biến.
Tuy nhiên, với nhiều DN có kinh nghiệm, dù rất đau đầu và thấy rõ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, nhưng chí ít họ vẫn bình tĩnh và đưa ra cách nhìn nhận, phân tích tình hình ở một góc độ khác. Nhìn chung tình trạng bức bách dù rất khó giải quyết nhưng không phải bế tắc, và việc thua lỗ nặng sẽ chỉ xảy ra đối với các hợp đồng kinh tế mà nhà thầu không đề cập đến vấn đề thương thảo giá cả khi có biến động thị trường. Tất nhiên, nói giá cả biến động mạnh không gây ảnh hưởng gì đến DN xây dựng là hoàn toàn không đúng, bởi ngay cả các hợp đồng kinh tế xây dựng ký sau Nghị định 99/CP có đề cập đến việc thương thảo thỏa thuận giá cả theo diễn biến thực tế của giá thị trường và giá tại chân công trình thì “cũng rất mệt mỏi cho việc thương thảo lại giá mới”, vì phải khảo sát số liệu thị trường, tính toán hậu quả trượt giá, kiến nghị, hội họp các bên để thương thảo, “đấu tranh” từng li từng tấc để bảo vệ quyền lợi của nhà thầu. Nhưng dù “rất mệt mỏi” như cách nói của các DN xây dựng thì mức độ nguy hiểm dẫn đến nguy cơ phá sản sẽ được giảm thiểu nhiều nếu hợp đồng kinh tế có tính đến các yếu tố rủi ro. Điều này đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cũng như các thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 99/CP. Cái chính là DN vận dụng “cây gậy” đó trong thực tiễn ra sao.
Như vậy thì chủ đầu tư mới chính là chủ thể chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc biến động giá cả xây dựng. Rõ thấy nhất là các hợp đồng kinh doanh BĐS. Liên tục trong thời gian qua, khi giá đầu vào biến động, các DN đầu tư kinh doanh BĐS thường rất cẩn trọng khi xây dựng các hợp đồng mua bán mà trong đó luôn kèm theo các phụ lục cho phép họ điều chỉnh lại giá bán khi thị trường có biến động. Và điều dễ thấy nhất là hầu hết sau khi đưa ra các hợp đồng góp vốn, các chủ đầu tư dự án đều điều chỉnh lại giá trong hợp đồng kinh tế mua bán BĐS với giá cao hơn giá góp vốn với khoảng cách khá lớn. Người mua trong trường hợp này ở trong tình thế buộc phải chấp nhận.
Từ câu chuyện biến động giá thép và một số chủng loại VLXD cơ bản, có thể thấy, để bảo vệ mình trước tình trạng đột biến thị trường thì một vấn đề không bao giờ là chuyện cũ, đó là cẩn trọng và vận dụng các quy định pháp luật về kinh tế ngay từ quá trình xây dựng các hợp đồng kinh tế về xây dựng lắp đặt công trình.
Theo Báo Xây Dựng
- 286
- By Admin
- 14/04/2010
- 17