Hãy giữ lại những nét đặc trưng cho Đà Lạt
Nhiều khu ở Đà Lạt hiện không còn hình ảnh thành phố trong rừng - rừng trong thành phố |
KTS Nguyễn Văn Tất (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN): Đặt việc phát triển bền vững lên trên hết
KTS Nguyễn Văn Tất |
Ngay từ khi được hình thành từ nhiều thập kỉ trước, công năng gốc của Đà Lạt đã là một TP nghỉ dưỡng. Sự phát triển này làm đậm dần giá trị du lịch. Khí hậu ôn đới và cảnh quan phù hợp đã nhanh chóng làm Đà Lạt trở thành TP tri thức với dày đặc các trường đại học, viện nghiên cứu. Rồi cùng với sự nhộn nhịp của việc gia tăng dân số cơ học, dịch vụ tổng hợp dành cho du lịch phát triển tương ứng, đặc biệt ngành nông nghiệp hoa màu có nguồn thu lẫn sự thống lĩnh diện tích đất đai rất lớn. Vì thế, bất cứ một quy hoạch nào cho Đà Lạt cũng cần dựa trên những công năng đô thị cốt lõi nêu trên để tránh sự thiếu sót, hoặc quá đà trong giải pháp. Đặc biệt khi có sự xung đột về lợi ích trong các dự án phát triển đô thị.
Một đô thị đặc biệt như Đà Lạt có những câu chuyện riêng của nó, nên nếu cần tuân thủ một nguyên tắc chung về quy hoạch, cũng cần chỉ ra trong điều kiện Đà Lạt thì nên thêm bớt điều gì cho thật sự phù hợp và nổi bật bản sắc. Thành phố trong rừng - rừng trong thành phố, công thức này đã được nhắc tới nhiều trong lĩnh vực quy hoạch. Đặc biệt ngày nay càng trở thành nhu cầu thiết yếu đối với phát triển xanh và bền vững của những thành phố như Đà Lạt. Nhưng đặc điểm nhận diện đẹp như mơ này cũng chỉ là khẩu hiệu cho đến khi không còn cây trong đô thị nữa, đặc biệt là cây thông, chứ nói chi đến rừng. Vì vậy việc cần thiết là ngoài chỉ số đất cây xanh, đất dự trữ theo quy hoạch phải có công thức quản lý thiết kế đô thị đến từng ô phố, hè phố để có chỗ cho cây xanh.
Tương tự, một TP núi đồi chắc chắn sẽ nói không với những con đường thẳng tắp và ô phố bàn cờ. Ngay cả khi có thể, nó cũng là một gen lạ, không thân thiện và không nên cố ép vào. Chắc chắn TP Đà Lạt sẽ có định dạng giao thông là những đường cong đa chiều kết nối mạng lưới đường đi bộ và xe đạp chuyên biệt với các thắng cảnh ngoại ô bởi địa hình, địa mạo núi đồi hẳn phải thế. Gán ghép cho Đà Lạt những đại lộ thẳng tắp thênh thang, những ô phố bàn cờ chỉ làm mất đi nét yêu kiều lẩn khuất.
Ở góc độ sinh hoạt đô thị truyền thống lẫn đô thị du lịch, các không gian tụ tập đa mục đích là cần thiết. Nhưng hình ảnh một quảng trường bằng phẳng, mênh mông ở TP đẹp lãng mạn này hẳn là cũng không cần. Vì chính quy mô lớn của một khu đất bằng phẳng của quảng trường truyền thống sẽ là sự khiên cưỡng và phí phạm to lớn về quỹ đất lẫn công năng. Cho nên có chăng, Đà Lạt cần nhiều quảng trường chuyên đề nhỏ, kết hợp nhuần nhuyễn về cảnh quan, địa thế và công năng khu vực. Địa thế tự nhiên của Đà Lạt cũng hứa hẹn sự hấp dẫn của các quảng trường đa cao trình và liên hoàn phù hợp với sự linh hoạt của một TP du lịch.
Có thể nói đề án quy hoạch nào cũng cần thiết, với Đà Lạt điều cần thiết hơn không nằm ở chỗ rộng hay hẹp mà việc phát triển phải đặt trước một lợi ích lớn hơn nữa: bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch bền vững cho Đà Lạt. Đây là vấn đề lớn và khó, cần nghiên cứu thấu đáo và có câu trả lời thông minh nhất để cân bằng sự đối kháng lợi ích cục bộ đáp ứng lợi ích chung bền vững cho phố núi này. Nhưng khó không có nghĩa là không có câu trả lời.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trả lại một Đà Lạt xanh mát tương lai
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn |
Với lịch sử phát triển trên trăm năm và là TP du lịch nổi tiếng tại VN lẫn trên thế giới, Đà Lạt đang đứng trước năm thử thách chính. Đó là việc ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, phát triển tự phát thiếu quy hoạch, biến đổi khí hậu do đô thị hóa thiếu định hướng, bảo tồn bản sắc kiến trúc lịch sử và phát triển bản sắc mới, cuối cùng là việc cần có định hướng phát triển bền vững tương lai.
Trước hết, nếu cần thiết thì việc một TP có diện tích lớn hơn thủ đô là chuyện bình thường. Các thủ đô Ottawa, Washington D.C... đều có quy mô khá khiêm tốn so với các TP quan trọng trong nước. Kế đến, việc phát triển TP không theo chiều cao mà theo chiều ngang, với tỉ lệ diện tích cây xanh mặt nước cao và những vành đai xanh nông nghiệp giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, có thể là một mô hình đô thị sinh thái rất phù hợp cho Đà Lạt và Huế. Từ đó giúp Đà Lạt phục hồi chiếc “máy lạnh thiên nhiên” đang bị hư hỏng nặng, cũng như giúp Huế không còn cảnh ngập lụt thường xuyên như trước kia.
Việc đề xuất mở rộng diện tích Đà Lạt cao như vậy có thể nhằm đạt được những chỉ tiêu (mật độ, dân số, thu nhập...) theo tiêu chí hiện hành của đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, để có được những chính sách và hỗ trợ cần thiết cho việc phát triển TP. Tuy đây là một giải pháp chưa hoàn hảo nhưng có lẽ khả thi hiện nay. Chưa hoàn hảo là vì khi trải rộng các đô thị vệ tinh tản mát như thế sẽ khó có tính khả thi về mặt kinh tế đô thị. Khả thi vì nó không mâu thuẫn với việc giải quyết những thử thách đô thị nói trên (như đạt tiêu chí đô thị loại 1) nhưng vẫn có thể cấm phát triển nhà cao tầng và cải thiện được cảnh quan, khí hậu.
Nhưng để giải quyết vấn đề một cách bài bản hơn, có lẽ Bộ Xây dựng nên xem xét một bộ tiêu chí khác không cứng nhắc như hiện nay, dành cho các đô thị có bản sắc đặc thù có thể trở thành “đô thị loại 1 trực thuộc trung ương”. Như vậy, Đà Lạt và Huế không còn bị áp đặt sức ép xây nhà cao tầng và thu hút mật độ dân số cao, hay phải phát triển quá rộng, mà bù lại, phải đạt những tiêu chí cao hơn trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn di sản quy hoạch, bảo tồn vi khí hậu và các yếu tố phi vật thể khác. Đây là tiền đề quan trọng để thay vì phát triển toàn bộ đô thị Việt theo một cách duy nhất là nâng cấp dần dần theo hướng cao tầng hiện đại, vẫn có thể khuyến khích phát triển những thành phố vườn sinh thái có bản sắc, có lịch sử, phục vụ cho các nhu cầu đa dạng về nghỉ dưỡng và văn hóa cho cả nước.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng: Phát triển đô thị có tổ chức theo hướng vùng đô thị
KTS Nguyễn Ngọc Dũng |
Theo tôi, hướng tiếp cận quy hoạch đô thị của Đà Lạt mang tính cách hợp lý về mặt phát triển. Và để bảo tồn một cái hồn đô thị đã tồn tại cả trăm năm như TP Đà Lạt thì phải quy hoạch theo hướng vùng đô thị. đây là cách làm không mới so với thế giới, cũng như thể hiện rất rõ tính khoa học, hợp lý và rõ ràng.
Nếu ta cứ nghĩ quy hoạch đô thị theo hướng ranh giới và quy mô dân số thì ắt sẽ bế tắc bởi tất cả điều đó mâu thuẫn lẫn nhau, sự mâu thuẫn thường thấy giữa việc bảo tồn và phát triển. Vì vậy, theo tôi, tất cả các TP ở VN cũng nên quy hoạch theo hướng này, nhất là những TP có nhiều di sản cần bảo tồn. Các TP đang phát triển cũng nên phát triển theo hướng vệ tinh bởi điều này sẽ giúp cảnh quan các đô thị hiện trạng không bị phá vỡ, đặc biệt giúp người dân có định hướng về quy mô ngành nghề như thế giới đang làm. Đó là những TP vệ tinh mang tính chất như một TP chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ, TP sản xuất gạch ốp lát, TP đèn trang trí... Những TP chuyên đề như vậy sẽ dễ phát triển về kinh tế, thu hút ngành nghề, dân cư, từ đó tổ chức được hướng sản xuất và xuất khẩu một cách hợp lý.
Đà Lạt vốn có thế mạnh về nông nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao, những vùng chuyên canh... có thể tổ chức những TP chuyên về khoa học, sinh học, công nghệ nano hoặc những TP thông minh thu hút các chuyên gia về lĩnh vực này. Đương nhiên, tất cả những TP đó phải được quản lý, đầu tư có kế hoạch, mang tính chất đồng bộ và phối kết lẫn nhau, bổ sung cho nhau trong cự ly vừa phải. Điều này sẽ giúp TP Đà Lạt hiện hữu giữ được cảnh quan như xưa nhưng vẫn không cấm đoán sự phát triển về cuộc sống của người dân.
Hà Nội cũng đã tổ chức những TP vệ tinh, như vậy Đà Lạt là TP thứ hai đi theo hướng này. Vậy chúng ta không cần phải đắn đo về quy mô của Đà Lạt, Tp.HCM hay Hà Nội bởi đây là một quy hoạch theo dạng vùng đô thị có tổ chức.
- 0
- By Admin
- 14/07/2014
- 17