Hậu quả của quy hoạch và xóa quy hoạch tại Quảng Nam - Đà Nẵng
Xây lụi chờ hưởng lợi
Phó ban quản lý (BQL) Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, ông Nguyễn Văn Quỳnh, đã phải thốt lên: “Nhà trái phép mọc như nấm sau mưa. Trong tổng số 33 dự án đang đầu tư tại đây, hầu như dự án nào cũng xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép. Trong đó, nghiêm trọng nhất ở khu đô thị số 3 và số 4. Đặc biệt, khu đô thị số 4 (do Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam làm chủ đầu tư) có đến 40 nhà xây trái phép.Có hộ xây 2-3 nhà, thậm chí 4 nhà một lúc, như hộ ông Nguyễn Văn Xiêm. Ông Huỳnh Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, than thở: “Tình trạng này đã gây không ít khó khăn trong việc triển khai dự án cũng như làm thiệt hại về kinh tế cho chúng tôi. Các hạng mục của dự án khi thi công gặp ngay những căn nhà trái phép nên phải dừng lại, làm chậm tiến độ cả dự án”.
Ông Trần Phước Tuấn, Trưởng BQL Khu đô thị số 3, khẳng định: “Trong phạm vi dự án chúng tôi có 21 trường hợp xây dựng trái phép; tất cả đều chung mục đích đòi nhà đầu tư như chúng tôi bố trí các lô đất tái định cư, hoặc mua đất trong khu vực dự án với giá ưu đãi. Họ thừa biết việc làm này là vi phạm nhưng vẫn cố tình chây ỳ, chờ nhà đầu tư “xuống nước” cấp đất cho họ”.
Ông Tuấn cho rằng quan điểm của đơn vị là không khoan nhượng. Tuy nhiên, do đơn vị không có chức năng xử lý, trong khi chính quyền xã Điện Ngọc cũng như Đội quy tắc đô thị của huyện Điện Bàn lại thiếu xử lý kiên quyết nên đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án.
Những bức tường rào tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được xây để “chạy giải tỏa” nhưng nay trở thành gánh nặng cho người “lỡ” xây. Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
Một ngày cuối tháng 3-2011, chúng tôi về lại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sau gần 2 năm dự án Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng chính thức “xóa tên” tại đây. Con đường bê tông ngoằn ngoèo dẫn vào làng san sát những căn nhà hoang vắng. Quê nghèo nhưng khuôn viên vườn tược nhà nào cũng xây tường rào vây quanh dài ngoẵng theo con đường làng quanh co.
Điều rất lạ, mặc dù ở làng quê nghèo vắng vẻ nhưng nhà nào cũng đổ mái bằng, nhà cấp 3 (nhà lầu - PV). Nhưng chỉ nhìn qua, rất dễ nhận ra những căn nhà “hoành tráng” này được xây một cách tạm bợ, dối trá. Những bức tường gạch khẳng khiu, không trụ sắt… chưa đủ vững nhưng phải “đội” trên mình một tấm bê tông nặng hàng tấn. Những căn nhà xây bằng kỹ thuật “quái lạ” này mọc lên sau khi quy hoạch xây dựng Khu CNC Đà Nẵng được công bố vào tháng 2-2009.
Ông Nguyễn Mãn, Trưởng thôn Hòa Khương Đông, cho biết: Thôn có 170 hộ dân với 680 nhân khẩu, trong đó có 30 hộ nghèo. Khi nghe công bố quy hoạch, hàng chục hộ dân đã xây dựng nhà cửa, hàng rào, cổng ngõ… để chờ đền bù. Nhiều nhà cấp 4 được người dân đổ mái bằng trong khi tường, trụ không đảm bảo. “Những căn nhà cấp 4 nhưng cải tạo thành nhà cấp 3, đổ mái bằng, xây dựng dối… nên rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Khi họ bắt đầu xây, chính quyền địa phương tuyên truyền rất nhiều nhưng họ vẫn cứ làm nên sau đó buộc phải lập biên bản xử lý”, ông Mãn phân trần.
Bi kịch hậu... xóa quy hoạch
Đầu tư hàng chục triệu đồng để xây nhà “đón” giải tỏa, đùng một cái chính quyền thông báo… xóa quy hoạch và chuyển Khu CNC về xã Hòa Liên và Hòa Ninh, cách đó chừng 10km. Khi nghe tin xóa quy hoạch, hàng trăm hộ dân xã Hòa Nhơn chết điếng vì toàn bộ tiền bạc, của cải đã đổ ra làm nhà, dù cái nhà ấy không ai dám vào ở. Chỉ một trận gió, cả nhà đã phải di tản ra xa vì sợ sập đè chết.Bà Trần Thị Thúy (85 tuổi, trú thôn Phước Thuận) gương mặt hiện rõ sự khắc khổ với chằng chịt nếp nhăn thời gian ngồi trầm ngâm nhìn ngôi nhà mái bằng, nghĩ đến đống nợ 40 triệu đồng. Bà Thúy sống cùng người con trai đã gần 40 tuổi, góa vợ. Khi thấy người ta xây nhà chạy giải tỏa, con trai bà cũng chạy vay chạy mượn khắp nơi được 40 triệu đồng để sửa nhà. Bỗng chốc, căn nhà cấp 4 ộp ẹp trở thành nhà cấp 3, mái đổ bằng bê tông. Nhưng rồi chính quyền xóa quy hoạch, đôi mắt bà tối sầm lại bởi khoản nợ khổng lồ mà chưa chắc cả đời còn lại bà và con trai có thể trả hết. Nợ nần chồng chất, bà quyết định bán bớt 400m2 đất trong vườn để trả nợ. Người mua nườm nượp đến nhưng rồi lại lần lượt bỏ đi vì chính quyền không cho tách thửa.
Ông Nguyễn Văn Lô, Trưởng thôn Phước Hậu, lắc đầu ngao ngán: Người dân họ biết mình sai khi xây nhà chạy giải tỏa nên khi xóa quy hoạch thì ai cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” không dám kêu ca gì. Nhưng nay quy hoạch đã xóa gần 2 năm nhưng vẫn không được tách thửa, chuyển nhượng đất nên số hộ này nợ nần chồng chất mà không biết lấy gì xoay xở. Thậm chí năm ngoái, trong thôn Phước Hậu có ông Huỳnh Ngọc Tâm bị ung thư dạ dày, bà Trần Thị Kim Mỹ bị ung thư tử cung, gia đình hai người này cũng nghèo khó muốn bán đất để trả nợ và chữa bệnh nhưng không bán được. Không có tiền chạy chữa, cả hai người đã chết hồi năm ngoái. Trong thôn Phước Thuận có đến 50 hộ rơi vào bi kịch “hậu” xóa quy hoạch. “Tôi không hiểu sao Nhà nước không cho dân bán đất trong khi quy hoạch đã xóa gần 2 năm. Nhiều hộ có con lập gia đình cho con đất cất nhà ở riêng nhưng không làm giấy tờ chủ quyền được”, ông Lô bức xúc.
Ông Lê Đức Trí, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hòa Vang, xác nhận khu vực các thôn trên không được tách thửa là có thực. Lý do khu vực này nằm trong vệt sử dụng đất Nam Hải Vân. Điều đáng nói, vệt quy hoạch này được quy hoạch từ năm 2005 và đến nay vẫn là…vệt đất trống, không biết đến khi nào mới thực hiện dự án.
Và không ai trả lời cho người dân biết đến khi nào họ mới lấy lại được quyền mua bán, chuyển nhượng, cho tặng đất đai của mình?!
(Theo SGGP)
- 0
- By Admin
- 29/03/2011
- 17