Hầu hết nhà dự án đều chưa có GCN chủ quyền
Kết quả, tại Hà Nội vào thời điểm kiểm tra chỉ có 5,3% số căn hộ chung cư và 3,1% số căn nhà liên kế được cấp giấy. TP Hồ Chí Minh con số căn hộ dự án được cấp giấy có nhỉnh hơn với tỷ lệ là 30%.Tiền đã trao, chủ quyền không có
Sau một năm triển khai cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất theo Nghị định 88/2009 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết quả khiến nhiều người bất ngờ khi tại TP Hồ Chí Minh, trong 318 dự án với tổng số 103.808 căn hộ chung cư và liên kế thì chỉ có 31.142 căn là được cấp giấy chứng nhận (khoảng 30%).Tại Hà Nội, trong tổng số 125 dự án trên địa bàn, chỉ mới có 1.003 căn chung cư được cấp Giấy chứng nhận trên tổng số 19.000 căn chung cư, chiếm 5,3%. Số phận các căn nhà liên kế ở Thủ đô còn “thê thảm” hơn khi chỉ có 111 trong tổng số 3.600 căn được cấp giấy, gần 97% nhà liên kế còn lại chưa có giấy chủ quyền.
Dự án The Manor (Hà Nội) đã bán hết nhà từ năm 2008 nhưng khi kiểm tra vẫn chưa có hộ nào có Giấy chứng nhận. Ảnh: Đ.K |
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra điểm tại 3 dự án ở Hà Nội là toà nhà 198 Nguyễn Tuân; Dự án xây dựng nhà ở liên kế và căn hộ để bán tại xã Mỹ Đình; Dự án nhà ở The Manor. Kết quả, đến thời điểm kiểm tra, 100% căn hộ chung cư và nhà liên kế cũng như villa của các dự án này đã bán hết, nhưng 100% số người mua vẫn... chưa được cấp Giấy chứng nhận!
Cũng tại các dự án đã kiểm tra này, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng mua bán trao tay rất phổ biến. Điển hình, tại Dự án nhà ở xã Mỹ Đình của Công ty Tư vấn - Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội, báo cáo ghi nhận: “Đối với khu chung cư, tình trạng mua bán trao tay diễn ra qua nhiều lần chiếm tỷ lệ quá lớn (trên 70%)”. Tỷ lệ mua bán trao tay nhiều lần (trên 70%) cũng diễn ra ở dự án Toà nhà 198 Nguyễn Tuân.
Tình trạng này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra “ách tắc” trong việc cấp Giấy chứng nhận. Do khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận, cơ quan chức năng không thể liên lạc với người đứng tên trên hợp đồng mua bán hoặc thông tin về chủ sử dụng/sở hữu căn hộ không thống nhất với thông tin trên hợp đồng mua bán.
Bán nhà trên đất đang thế chấp
Cũng qua đợt kiểm tra này, cơ quan chức năng đã phát hiện ra “tình trạng chủ đầu tư dùng giấy tờ giao đất và Dự án được phê duyệt để thế chấp tại các Ngân hàng”. Về tình trạng này, theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), có thể vốn thế chấp ngân hàng không lớn, nhưng khi giấy tờ “mắc” trong ngân hàng thì người mua sẽ không thể làm được thủ tục cấp giấy chứng nhận.Ngoài chuyện không được cấp Giấy chứng nhận chủ quyền, thì điều gì sẽ xảy ra nếu Công ty (chủ đầu tư căn hộ) phá sản, không thể trả khoản tiền vay đã thế chấp bằng giấy tờ đất dự án? Hiện nay, không ít người dân đang ở trong những căn nhà “không giấy”. Không ít người có tâm lý chủ quan, không giấy tờ cũng chẳng ai tự dưng đến cướp không nhà mình. Tuy nhiên, với trường hợp những căn nhà tại các dự án thì tình hình lại hoàn toàn khác.
Một thực tế khác, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất tại các dự án khu đô thị có thể được cấp theo hai hình thức, hoặc là cấp một lượt cho chủ đầu tư dự án hoặc cấp riêng cho từng hộ có nhu cầu. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra vừa rồi của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận có trường hợp chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận riêng lẻ cho từng lô, đối với nhà liên kế (Giấy chứng nhận mang tên công ty); nhưng khi bàn giao cho người mua nhà Công ty chỉ bàn giao hợp đồng mua nhà, biên bản thanh lý, biên lai nộp tiền và bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đó còn bản chính Công ty vẫn giữ.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với nhà liên kề) cho chủ đầu tư theo hình thức này có thể là một “kẽ hở chết người” vì nếu chủ đầu tư cố tình mang bản chính đi thế chấp thì có thể dẫn đến tình trạng người mua chỉ được ở còn chủ đầu tư có thể sử dụng giấy chứng nhận thực hiện các hoạt động tín dụng khác. Mọi sự đổ vỡ tài chính nếu có, thiệt thòi sẽ luôn đổ lên đầu người mua nhà!
(Theo giadinh.net)
- 0
- By Admin
- 01/06/2011
- 17