Hầu hết các cụm công nghiệp hoạt động kém hiệu quả
Trên đây là nội dung được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12 về kết quả rà soát quy hoạch, thành lập và hoạt động các cụm công nghiệp trên cả nước. Báo cáo này được được đại diện Bộ Công Thương cung cấp cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại hội thảo về phát triển cụm công nghiệp tại Sở Công Thương Tp.HCM sáng nay (26/12).
Theo Bộ Công Thương, cả nước có 614 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút được 7.312 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 112.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 460.000 lao động. |
Tuy nhiên, với tổng diện tích của 614 cụm đang hoạt động theo quy hoạch 16.166 héc ta thì đến nay tỷ lệ lấp đầy bình quân của cụm công nghiệp trên cả nước chỉ khoảng 50%.
Việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu tính phối hợp chặt chẽ, thiếu chế tài dẫn đến việc tuân thủ quy định không đầy đủ, đôi khi gây phiền hà cho các doanh nghiệp. |
Một số bất cập trong quá trình phát triển các cụm công nghiệp trên cả nước thời gian qua như không sử dụng hết diện tích đất đã cấp, chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, không trả tiền thuê đất theo quy định, tự ý cho doanh nghiệp khác thuê để sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường…
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp ở các địa phương, đến năm 2020, cả nước dự kiến có 1.752 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 81.800 héc ta. Tính bình quân trên phạm vi cả nước, diện tích trung bình mỗi cụm công nghiệp là 46,7 héc ta.
Để giúp phát triển hiệu quả các cụm công nghiệp thời gian tới, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cho các địa phương thêm 1.200 tỉ đồng trong giai đoạn 2013 – 2015, mỗi tỉnh có từ 1-3 cụm công nghiệp với mức hỗ trợ tối đa 20 tỉ đồng/cụm.
Về cơ chế ưu đãi đầu tư, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, bộ kiến nghị các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm liên tiếp, hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi 20% trong thời hạn 10 năm.
Tp.HCM giảm 672 héc ta đất cụm công nghiệp Sáng 26-12, Viện Quy hoạch Xây dựng đã báo cáo về dự thảo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến 2020, định hướng đến 2030. Theo dự thảo quy hoạch cụm công nghiệp này, đến năm 2020 thành phố sẽ còn 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.228 héc ta, giảm 672 héc ta so với quy mô 1.900 héc ta của 30 cụm công nghiệp theo quy hoạch cụm công nghiệp được phê duyệt năm 2004. Các cụm còn lại sẽ chuyển lên thành khu công nghiệp, chuyển đổi chức năng hoặc vẫn giữ hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp hiện hữu nhưng đổi tên gọi thành “điểm công nghiệp”. Theo Viện Quy hoạch Xây dựng, với suất đầu tư đất cụm công nghiệp bình quân khoảng 280 đô la Mỹ/m2, dự kiến thành phố sẽ cần tổng vốn đầu tư gần 7.620 tỉ đồng để phát triển hoàn chỉnh hạ tầng toàn bộ 19 cụm công nghiệp theo quy hoạch từ nay đến 2020. Trước mắt, giai đoạn 2013 – 2015 sẽ lấp đầy tối thiểu 60% và xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng ở các cụm công nghiệp Nhị Xuân (54 héc ta), Tân Thời Xuân A (21 héc ta), Lê Minh Xuân (17 héc ta) và cụm công nghiệp Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (89 héc ta). Đây là những cụm đã có doanh nghiệp hoạt động hoặc chuẩn bị xây dựng hạ tầng. Viện Quy hoạch Xây dựng cho biết hiện thành phố có 16 cụm công nghiệp có doanh nghiệp hoạt động với diện tích 570 héc ta, thu hút khoảng 600 dự án và giải quyết việc làm cho hơn 32.000 lao động. Tuy nhiên mới chỉ có 2 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải là cụm công nghiệp Lê Minh Xuân và cụm công nghiệp Nhị Xuân. |
- 158
- By Admin
- 27/12/2012
- 17