• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hậu gói 30.000 tỷ: Phải giải quyết như thế nào mới hợp lý?

Trước đó, thông tin ngày 1/6, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 02 sẽ chính thức dừng giải ngân khiến nhiều người lo ngại những vấn đề phát sinh và tồn đọng gây bất lợi cho người mua nhà. “Sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân, ý kiến của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản, cũng như cân đối hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước, Thống đốc NHNN đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để dành sự hỗ trợ tối đa của Chương trình cho người dân” – trích thông cáo của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN).

Ngày 22/3 vừa qua, NHNN đã có Công văn báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đến 1/6/2016 vẫn chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ, NHNN đề xuất xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết gói 30.000 tỉ đồng.

Trước các diễn biến trên, báo Cafeland đã tổ chức buổi tọa đàm “Hậu gói 30.000 tỷ và dòng tiền cho bất động sản” với sự tham gia của 6 chuyên gia về BĐS, kinh tế - tài chính và luật. Tại đây, các ý kiến trái chiều đã được đưa ra bàn luận về sự thành công, thất bại của gói 30.000 tỷ, ngoài ra những kịch bản giải quyết “hậu quả” cũng được thảo luận sôi nổi.

gói 30.000 tỷ
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành phân tích tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỷ. Ảnh: Diệp Tuyền

Ông Nguyễn Hoàng Châu cho rằng, ngay từ dự thảo Thông tư 11 đã vướng rất nhiều điều bất hợp lý: Đó là thời gian cho vay chỉ 10 năm, không cho vay nhà ở xã hội để bán, không cho thế chấp BĐS hình thành trong tương lai, bắt chứng minh thu nhập và nhất là lãi suất cho vay. Dùng vốn tái cấp vốn của nhà nước thấp hơn 1,5% so với lãi suất cho vay, vậy phí quản lý của ngân hàng thương mại ở đâu? 

Năm 2014, khi BĐS hình thành trong tương lai được cho phép thế chấp, phía Hiệp hội cũng đưa ra nhận định gói 30.000 tỷ phải hỗ trợ thực hiện 3 mục tiêu: giảm tồn kho, hỗ trợ nợ xấu, hỗ trợ người thu nhập thấp có chỗ ở. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cho rằng không cần thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp và NHTM khi thị trường đã ấm lên. Điều quan trọng là quyền lợi của người tiêu dùng có thu nhập thấp ở đô thị, phải giải quyết vấn đề nhà ở cho số đông này của xã hội. Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng, không nên phủ nhận sạch trơn sự đóng góp của gói 30.000 tỷ. Chính nhờ sự hỗ trợ của gói tín dụng này thị trường BĐS dần ấm lên, và nhiều hộ dân đã mua được nhà với giá ưu đãi. Tuy nhiên ông Châu nhấn mạnh, cần tránh các trường hợp bị lợi dụng trong giai đoạn cuối và có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Châu nhưng cũng có ý kiến cho rằng gói 30.000 tỷ đã thật sự thất bại thảm hại. Ông Nguyễn Văn Đực còn ví gói 30.000 như một học sinh và lộ trình giải ngân là thời gian phải tốt nghiệp. Tốc độ giải ngân của gói tín dụng này trong giai đoạn 1,5 năm đầu tiên rất chậm. Tính đến thời điểm hiện nay thì gói tín dụng đã giải ngân 85%, dự báo với những yếu tố đột biến thì trong 3 tháng cuối cho đến thời điểm ngày 1/6/2016 sẽ phải tiếp tục giải ngân tiếp 15% còn lại. “Vậy đã gần đến ngày tốt nghiệp” thì học sinh này phải giải quyết ra sao với 15% còn lại?” – ông Đực đặt câu hỏi.

Ông Đực còn cho rằng, sự tăng tốc giải ngân ở giai đoạn cuối này đã cho thấy sự “lười biếng” của thời gian trước và sự nghi ngờ có “gian lận” trong thời kỳ sau để được “tốt nghiệp đúng thời hạn”. Ông khẳng định gói 30.000 tỷ nếu đem ví như một học sinh thì kỳ thực đây là một học sinh hư và lười. Tuy nhiên, phần quan trọng là phải giải ngân đối với khách hàng cá nhân, theo tiến độ tháng 3/2016 tiến độ giải ngân lên 85% nhưng ông tin là đến lúc đóng gói tín dụng sẽ cán mốc 93%. Như vậy số lượng còn lại khoảng 7%.

Để giải quyết cho vấn đề “chạy theo thành tích” này, ông đã đưa ra những kịch bản: Thứ nhất là Nhà nước mở ra 7% còn lại. Thứ hai là doanh nghiệp và người dân bắt tay nhau tăng tốc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân và tiến độ thực hiện, tuy nhiên kịch bản này người dân phải chịu rủi ro cao. Thứ ba là doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người dân phần chênh lệch lãi suất, ví dụ lãi suất là 5%/năm sau đó bị biến động thì doanh nghiệp sẽ bù vào trong suốt thời gian vay. Dù vậy giải pháp này hạn chế là sau này lỡ doanh nghiệp không đủ sức hỗ trợ thêm thì kết quả cuối cùng người dân cũng là người chịu thiệt. “Như vậy giải pháp tối ưu vẫn là sự hỗ trợ của NHNN, với số tiền không lớn cho 7% còn lại nhưng sự hỗ trợ này sẽ trọn vẹn hơn” - ông Đực khẳng định.

Ở một góc độ khác, với sự phân tích và đánh giá thị trường hiện tại, ông Lê Hữu Nghĩa lại cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, cần kết thúc gói 30 nghìn tỷ đồng sau khi chúng ta giải ngân hết cho những người đã ký kết nếu nó thực sự mang lại hiệu quả. Nếu không, chúng ta không cần phải kéo dài thêm vài tháng làm gì vì người mua đang cố tìm cách giải ngân trước thời hạn. Điều này vô cùng nguy hiểm khi chủ đầu tư ôm tiền và tiến độ không đảm bảo”.

Diệp Tuyền
(Theo Tuổi trẻ online)

  • 0
  • By Admin
  • 26/03/2016
  • 17