Hàng loạt sai phạm tại chung cư 93 Lò Đúc bị "tố"
Thang máy dân cư nhưng toàn nhân viên văn phòng
Theo Hợp đồng góp vốn Xây dựng mua căn hộ, cùng với tài liệu kèm theo hợp đồng quy định tại điều 7 Hợp đồng góp vốn là Qui định về quy cách vật liệu và hình thức xây dựng căn hộ ngày 29/09/2009, đã khẳng định: “Giao thông chiều đứng phục vụ các căn hộ chung cư có 3 thang bộ, 2 thang thoát hiểm, 5 thang máy trong đó có một thang chở hàng… Khu văn phòng sử dụng 02 thang máy riêng có trọng tải 750kg/ thang”.Trong hợp đồng góp vốn để ghi rõ việc sử dụng thang máy của tòa nhà |
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sống tại chung cư 93 Lò Đúc, mặc dù đã được quy định rõ trong hợp đồng như vậy, nhưng Công ty Kinh đô vẫn ngang nhiên cho nhân viên văn phòng sử dụng thang máy của bên chung cư, dẫn tới việc quá tải trầm trọng hệ thống thang máy, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
"Việc cho nhân viên khu văn phòng sử dụng thang máy của khu cư dân, ngoài việc gây tắc nghẽn trầm trọng giao thông chiều đứng, đã làm tăng rất nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự khi nhân viên văn phòng và người ngoài có thể tự do ra vào các tầng là nơi sinh sống của cư dân, gây cảm giác bất an và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của cư dân", anh Tuấn, một cư dân tại chung cư 93 Lò Đúc bức xúc nói.
Việc thu phí gửi xe tại tòa nhà, theo hóa đơn thanh toán hàng của người dân cũng đang được thực hiện sai so với quy định từ năm 2008. Cụ thể, theo quy định của UBND TP Hà Nội, thì mức phí đối với xe máy là 45.000 đồng/xe/tháng, ô tô ngoài trời không mái che là 600.000 đồng/xe/tháng và ô tô trong hầm là 1.250.000 đồng/xe/tháng.
Hóa đơn thanh toán tiền nước được tính theo đơn giá 6.000 đồng/m3 |
Tuy nhiên, công ty Kinh Đô đã thu với số tiền cao hơn so với quy định rất nhiều. Cụ thể, xe máy là 100.000 đồng/xe/tháng, ô tô ngoài trời không mái che là 1.200.000 – 1.500.000 đồng/xe/tháng và ô tô trong hầm là 1.500.000 – 1.800.000 đồng/xe/tháng.
Ngày 26/08/2011, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Tài chính, Cục Thuế và Công an đã tiến hành kiểm tra việc vi phạm của Công ty Kinh Đô. Tuy nhiên, Công ty vẫn khẳng định là thu phí đúng với quy định của Nhà nước.
Ngày 29/09/2011, Sở Tài chính Hà nội đã ra quyết định số 4344/CV-STC yêu cầu đình chỉ việc thu phí trông giữ xe sai quy định của Công ty Kinh Đô, yêu cầu Công ty Kinh đô báo cáo và xây dựng phương án thu phí trông giữ xe ô tô được Sở tài chính thẩm định theo quy định tại quyết định số 107/2009/QĐ-UBND ngày 29/09/2009 của UBND TP Hà Nội
Do đó, trước mắt, cư dân sẽ chấp hành quyết định của Sở Tài chính Hà Nội bằng việc không đóng phí trông giữ xe ô tô xe máy đến khi Công ty Kinh Đô xây dựng được phương án thu phí trông giữ xe được Sở tài chính thẩm định theo đúng qui định.
"Ngoài ra, chúng tôi sẽ yêu cầu Công ty Kinh Đô hoàn trả lại số tiền thu phí sai qui định từ năm 2008 cho đến nay và đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm nêu trên của Công ty Kinh Đô theo quy định", chị Phan Minh Thúy – Trưởng ban đại diện cư dân 93 Lò Đúc cho biết.
Không chỉ thu sai phí gửi xe, việc thu tiền nước của cư dân sinh sống tại 93 Lò Đúc cũng đang được đẩy lên cao hơn so với quy định. Giá nước các hộ dân phải nộp được tính theo giá nước kinh doanh là 6.000 đồng/m3, trong khi quy định của thành phố là 4.000 đồng/m3.
Nên lập Ủy ban quản lý nhà chung cư
Phí dịch vụ chung cư được xem như dịch vụ mang tính chất “công ích” thế nhưng nhiều chủ đầu tư muốn “kinh doanh” trên phí dịch vụ này để thu lợi nhuận cao. Chính sự độc quyền quản lý và cung cấp dịch vụ này đã khiến người dân luôn bị áp đặt về giá dịch vụ.GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc độc quyền, không có sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đã khiến người dân luôn chịu thiệt với các mức phí dịch vụ do đơn vị cung cấp dịch vụ độc quyền đưa ra.
Chung cư 93 Lò Đúc. Ảnh: N.Y |
Trong khi đó, mô hình ban quản trị tòa nhà được xem là “hội đồng” bảo vệ quyền lợi của người dân dù đã được Luật xây dựng quy định rõ phải thành lập khi có 80% số dân về ở, nhưng những ban quản trị như thế vẫn chỉ là giấc mơ với nhiều khu chung cư.
Trong khi chờ đợi sự thành lập của ban quản trị này, người dân tại nhiều khu chung cư đã tự thành lập các Ban đại diện để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình.
Một số nơi như chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội), Sky City (88 Láng Hạ - Hà Nội) hay cư dân ở Keangnam đã đấu tranh và thu được kết quả ban đầu là phí gửi xe được đưa về đúng mức quy định.
Tuy nhiên, về lâu dài, để người dân không còn những bức xúc về các khoản phí thu sai quy định, theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự, cho rằng Hà Nội nên thành lập Ủy ban riêng quản lý về nhà chung cư và đưa ra những khung pháp lý cụ thể để giám sát các chủ đầu tư thực hiện việc thu phí.
Theo đó, bất cứ nhà chung cư nào trên địa bàn thành phố khi vừa đưa vào sử dụng, Ủy ban này sẽ giám sát việc thu phí và mức phí thu của chủ đầu tư.
“Khi có Uỷ ban giám sát như vậy thì việc chủ đầu tư không thực hiện theo pháp luật sẽ giảm đi rất nhiều và sẽ không xảy ra những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nữa. Nếu người dân có khiếu nại sẽ khiếu nại với Ủy ban và Ủy ban xuống làm việc, như vậy sự việc cũng sẽ được giải quyết rất nhanh và đơn giản hơn”, Luật sư Hưng cho biết.
(Theo VTCnews)
- 0
- By Admin
- 08/10/2011
- 17