• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hàng loạt dự án "bán lúa non" tại Mê Linh

Hàng loạt dự án "bán lúa non" tại Mê Linh | ảnh 1
Nhiều dự án chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng đã huy động vốn 50-80% tổng giá trị các lô đất

Ngang nhiên bán đất không phải của mình

Năm 2010 huyện đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho 8 dự án, còn lại 13 dự án vẫn đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Đó là thông tin Ban giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh cho biết.

Theo quy định tại nghị định 71/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành tháng 8/2010, đối với đất nền chủ đầu tư chỉ được quyền huy động vốn sau khi đã giải phóng xong mặt bằng và làm hạ tầng; đồng thời số lượng vốn huy động không vượt quá 20% tổng số lượng nhà ở của dự án và phải gửi danh sách tới Sở xây dựng để báo cáo…

Tuy nhiên, trên thị trường đã có rất nhiều lô đất thuộc các dự án đang tiến hành giải phóng mặt bằng, thậm chí chưa giải phóng mặt bằng, được chào bán từ vài năm trở lại đây. Chỉ cần vào các trang web bất động sản hoặc tra cứu trên google, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm mua hàng loạt dự án này.

Đơn cử như dự án Minh Đức (Mê Linh, Hà Nội) rộng 17,1 ha  do công ty TNHH Minh Đức là chủ đầu tư. Mặc dù UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) đã chấp thuận chủ trương cho thực hiện dự án từ năm 2008 nhưng hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, trên thị trường dự án này đã được chào bán cho các khách hàng dưới hình thức huy động vốn lên đến 80% tổng giá trị lô đất.

Hay như dự án AIC (chủ đầu tư là công ty cổ phần AIC) có tổng diện tích 94,3 ha đất nằm trên địa bàn 3 xã Tráng Việt, Tiền Phong, Mê Linh trong đó chủ đầu tư mới chỉ giải phóng được hơn 20 ha, còn lại 70 ha nằm chủ yếu xã Mê Linh vẫn đang là đất trồng hoa của các hộ nông dân. Thực tế, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã bỏ hàng chục tỷ đồng mua dự án này từ khá lâu, sau đó phân phối lẻ ra thị trường với tiền chênh ngoài hàng tỷ đồng/lô đất.

Không chỉ bán dự án khi chưa có đất, nhiều dự án đã thực hiện xong việc đền bù nhưng không triển khai làm hạ tầng kỹ thuật mà vẫn huy động vốn. Điển hình, dự án khu nhà ở cao cấp Ba Đình tọa lạc tại xã Tiền Phong, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Ba Đình. Dự án được chia hai giai đoạn trong đó giai đoạn 1 rộng 8,2 ha đã đền bù giải phóng xong nhưng do chậm triển khai hạ tầng phần lớn diện tích đã bị người dân lấn chiếm để trồng hoa màu.

Hàng loạt dự án "bán lúa non" tại Mê Linh | ảnh 2
Chỉ cần có được chủ trương đầu tư, lấp ít cát làm đường chủ đầu tư có thể bán dự án

Mặc dù vậy, nhưng tại các văn phòng môi giới nhà đất quanh khu vực, đã có rất nhiều người chào bán dự án này. Theo đó, căn cứ hợp đồng, chủ đầu tư thực hiện huy động vốn cuối năm 2010 trước thời điểm UBND TP Hà Nội đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách bồi thường, hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Hợp đồng ghi rõ, mức vốn góp 10% tổng giá trị lô đất, giá gốc là 8 triệu đồng/m2 nhưng sau khi mua đi bán lại nhiều lần hiện mỗi m2 đất lên đến 18 -20 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu mua lô đất khoảng 70m2 tiền vốn góp huy động khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng tiền chênh ngoài gần 2 tỷ đồng/lô.

Ngoài ra, còn rất nhiều dự án khác như dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại xã Tiền Phong, dự án nhà ở thu nhập thấp  (Diamond Park)  thuộc công ty cổ phần đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam… cùng bán lúa non kiểu như vậy.

Nhà đầu tư cần thận trọng

Trước việc hàng loạt các dự án trên địa bàn chào bán trái quy định pháp luật, ông Đoàn Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết,  lâu nay chính quyền không nắm được việc chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn từ phía người dân. Để tránh tình trạng thất thiệt quan điểm của huyện Mê Linh, các nhà đầu tư nếu có mua đất dự án tại địa bàn này thì hết sức thận trọng nhất là những dự án chưa giải phóng xong mặt bằng.

Theo ông Trọng, hiện tại việc giải phóng mặt bằng tại một số dự án đang hết sức phức tạp và khó khả thi. Đặc biệt, những dự án nằm trên diện tích trồng hoa như dự án AIC do giá trị sinh lời của hoa rất cao trong khi mức đền bù theo nghị định mới của Chính phủ chỉ được hơn 300 triệu đồng/sào. Vì vậy người dân không đồng thuận giao đất cho doanh nghiệp.

Ông Trọng chia sẻ: “Các nhà đầu tư trước khi bỏ tiền đầu tư thì nên trực tiếp về huyện để tìm hiểu thông tin và xem thực trạng dự án. Các nhà đầu tư nên đầu tư khi dự án đã giải phóng xong mặt bằng và làm hạ tầng. Chúng tôi buộc phải khuyến cáo các nhà đầu tư bởi nếu trong trường hợp xảy ra tranh chấp, về phía chính quyền huyện vẫn có trách nhiệm giải quyết hậu quả phát sinh".

(Theo VnMedia)

  • 0
  • By Admin
  • 17/03/2011
  • 17