• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hàng loạt Facebook, website giả mạo chủ đầu tư rao bán nhà

Mới đây, anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) dự định tìm mua căn hộ tại dự án Mon City ở quận Nam Từ Liêm. Khi lên mạng tìm kiếm đầu mối đơn vị phân phối của dự án, anh Tuấn không khỏi ngạc nhiên. Anh cho biết, ngoài rất nhiều trang web thì còn không ít địa chỉ Facebook tự giới thiệu là đơn vị phân phối độc quyền của chủ đầu tư. Nhưng đáng nói là khi trao đổi với họ thì mỗi người lại đưa ra giá bán khác nhau. Những thông tin khác về dự án như tiến độ dự án, thời điểm bàn giao cũng không trùng khớp nhau. Các nhân viên này đều yêu cầu anh đặt cọc tiền để giữ chỗ.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, đại diện chủ đầu tư dự án là Công ty Hải Đăng tỏ ra khá bất ngờ, bởi trên thực tế thì đơn vị chưa công bố mở bán cũng như chốt mức giá chính thức mà mới có con số dự kiến. Theo vị này, dự án có một vài trang web nhưng thông tin đưa ra còn rất thận trọng, còn hầu hết những trang web hay Facebook khác là do cò nhà đất hoặc các đơn vị môi giới tự lập ra để mời chào khách, làm cho bản thân người mua nhà cũng khó phân biệt.

Đại diện công ty Hải Đăng lo ngại, nếu giá bán mà đơn vị công bố sắp tới cao hơn hoặc thấp hơn mức các đơn vị này đưa ra thì đều sẽ nảy sinh các tin đồn không hay. Nếu giá cao hơn thì khách hàng nghĩ công ty tăng bất hợp lý. Nhưng nếu thấp hơn thì thì người mua lại cho rằng dự án khó bán nên phải giảm. Song, vị này cũng nhìn nhận rằng, các chủ đầu tư rất khó để kiểm soát, ngăn chặn các trang web, Facebook giả mạo như trên.

Lừa đảo mua bán nhà đất
Tại không ít dự án, mặc dù chủ đầu tư chưa công bố mở bán nhưng nhiều website,
Facebook đã đưa ra những thông tin rất nhiễu loạn về giá bán. Ảnh minh họa

Được biết, trước đó cũng có nhiều trường hợp khác bị rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc GP Invest - chủ đầu tư Tràng An Complex Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, thời điểm dự án này chưa khởi công, chưa mở bán và chưa chốt giá bán thì trên nhiều website và tài khoản Facebook đã được lập ra và công bố thông tin nói trên. Trong khi đó, giá còn thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư, kèm theo đó là số điện thoại liên hệ để xem căn hộ mẫu.

Chủ đầu tư dự án Nam đường 32 (Hoài Đức), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 đã từng phải đính chính về tình trạng đất nền dự án này bị một số đơn vị mạo danh nhà phân phối để quảng cáo rao bán rầm rộ với mức giá khác nhau trước khi doanh nghiệp mở bán. Sau đó, chủ đầu tư phải có văn bản gửi đến một số đơn vị truyền thông để cảnh báo tới người có nhu cầu mua nhà tại dự án. Tương tự, Golden Silk Compex (Hà Đông) của Công ty Hanovid hay dự án Imperia Garden (Thanh Xuân) của Công ty cổ phần HBI ... cũng từng gặp tình trạng như vậy.

Hiện tại, chủ đầu tư một loạt khu đô thị lớn sắp triển khai tại phía Tây Hà Nội cũng gặp tình trạng nhiều tài khoản Facebook đưa thông tin mập mờ về dự án. Theo đại diện đơn vị này, hiện chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến các dự án được chốt chính xác, thậm chí cả về thời điểm khởi công bởi vì thủ tục pháp lý còn chưa hoàn tất. Vậy mà, rất nhiều tài khoản mạng xã hội đã được lập ra và đưa ra những dự đoán, phân tích về giá bán nhằm khơi gợi trí tò mò của khách hàng. Cùng với đó, các trang này còn yêu cầu khách hàng phải đăng ký các thông tin như tên, email, số điện thoại theo yêu cầu thì mới nhận được những thông tin cập nhật nhất về các dự án này.

Đại diện các chủ đầu tư đều nhận định, đây là một trong những chiêu thức để môi giới lấy thông tin khách hàng, sau đó lọc những người đang quan tâm đến dự án để khi doanh nghiệp mở bán thì săn đón, mời chào. Đây thường là những dự án nhận được nhiều sự quan tâm.

Ông Hiệp đưa ra lời khuyên, khách hàng cũng nên tìm hiểu kỹ khi giao dịch tài chính với các đối tượng này nhằm tránh tình trạng tiền mất tật mang hoặc phải chịu giá chênh bất hợp lý. Nếu muốn mua nhà, đất thì khách hàng nên đến các buổi mở bán chính thức hoặc liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư để nhận được những hướng dẫn, tư vấn chính xác nhất.

  • 0
  • By Admin
  • 23/09/2015
  • 17