Hạn chế nguồn cung ảo bằng cách "siết" bán nhà trên giấy
Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Đặc biệt, hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia, chuyên viên, giới doanh nghiệp và lãnh đạo, nghiên cứu sinh trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại buổi Hội thảo |
Thị trường BĐS đang đón nhận dòng tiền trong xã hội
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khi phát biểu tại Hội thảo đã cho biết, trong xã hội, dòng tiền đang hướng về thị trường BĐS. Hiện nay, tỷ giá ổn định, kiểm soát tốt mua bán vàng, lãi suất ngân hàng huy động giảm. Sau 11 tháng, tăng trưởng trong lĩnh vực BĐS trên 12%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung trên 7%. So với dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác, dòng tiền đưa vào BĐS nhiều hơn, nhanh hơn. Điều đó khẳng định nhu cầu rất lớn với BĐS của người dân là có thực.
Lượng giao dịch tăng liên tục 8 quý tính từ đầu năm 2013 đến nay. Theo số liệu mới nhất, trong 11 tháng năm 2014, tính tại 2 thị trường dẫn dắt là Tp.HCM và Hà Nội lượng giao dịch như sau: Tại Hà Nội, gần 10.000 giao dịch thành công, nghĩa là mỗi tháng có khoảng gần 1.000 giao dịch, so với cùng kỳ năm 2013, tăng 100%. Tại Tp.HCM, khoảng trên 6.500 giao dịch thành công, so với cùng kỳ năm 2013, tăng khoảng 35%. Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với khả năng thanh toán, nhu cầu thực của khách hàng.
Tuy lượng giao dịch tăng nhưng giá cả ổn định, trừ một số dự án có vị trí đẹp hoặc hàng hóa đặc biệt thì giá có nhích lên một chút. Các chủ đầu tư thay đổi tư duy, ý thức hơn về việc giữ lợi nhuận kỳ vọng vừa phải, hướng về khách hàng nhiều hơn và không có chuyện đầu tư mua đi bán lại như trước đó.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định: “Giá nhà tại Việt Nam không hề cao mà cơ bản là do lương của người lao động Việt Nam thấp. Mua bán cái gì cũng tính theo giá quốc tế. Từ sắt thép, kính, cho đến xi măng, vật liệu xây dựng... đều theo giá quốc tế. Trong khi đó, lương của cán bộ công nhân viên chỉ có 2-3 triệu đồng/tháng. Không có thống kê nào cho thấy Việt Nam nằm trong top 20 nước có giá nhà cao nhất cả".
"Siết" bán nhà trên giấy để hạn chế nguồn cung ảo
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã nhận định về quy định bán nhà hình thành trong tương lai của chủ đầu tư buộc phải có sự bảo lãnh của ngân hàng tại Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua. Theo Thứ trưởng, trong điều kiện thị trường BĐS đang thừa nguồn cung như hiện nay, đây là một điểm siết cần phải có. Hiện nay, có ý kiến cho rằng điều đó làm khó chủ đầu tư nhưng thực tế không đúng như vậy.
Khi quy định trên được thực hiện sẽ hạn chế nhà đầu tư không đủ năng lực, yếu kém, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng được mua sản phẩm có bảo lãnh và giảm nguồn cung ảo trong khi lượng hàng tồn kho hiện còn nhiều. Đối với các chủ đầu tư uy tín, chắc chắn các ngân hàng rất sẵn sàng hợp tác bởi vì bảo lãnh khác với đặt cọc. Bảo lãnh chỉ cần trả phí cho ngân hàng nhưng đặt cọc là doanh nghiệp phải đóng băng một khoản tiền vào ngân hàng.
Thứ trưởng Nam nói: “Đã đến lúc doanh nghiệp và người dân nên quen dần với việc trả phí cho dịch vụ để được hưởng những tư vấn tốt nhất về pháp lý tránh rủi ro như bảo lãnh ngân hàng hay thuê luật sư”.
Mặt bằng giá nhà ở tương đối ổn định và không giảm tiếp
Theo ông Trần Kim Chung, mặt bằng giá nhà ở tương đối ổn định và không giảm tiếp |
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung đã đánh giá về thị trường BĐS. Ông cho rằng, hiện nay mặt bằng giá nhà ở đã tương đối ổn định và không giảm tiếp. Nhiều dự án ở giai đoạn 2011-2013 đã giảm trên 30%, giá đã ổn định trong thời gian gần đây và không tiếp tục giảm. So với năm 2013, một số dự án có vị trí tốt, sắp hoặc đã hoàn thành đưa vào sử dụng có giá tăng nhẹ từ 1-2%.
Ông Chung chia sẻ: “Tại phân khúc căn hộ cao cấp, hoạt động chào bán tại các dự án diễn ra khá sôi động với các chương trình khuyến mãi lớn như: tặng gói nội thất, tặng xe hơi... Đặc biệt, mức giá tại nhiều dự án thuộc phân khúc căn hộ cao cấp đồng loạt giảm xuống dưới 30 triệu đồng/m2. Ưu tiên hàng đầu của các chủ đầu tư hiện nay là giải quyết lượng căn hộ tồn kho lớn của mình.”
TS. Hoàng Kim Huyền, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đánh giá vào đầu tư của người dân vào thị trường này. TS. Hoàng Kim Huyền cho hay, xu hướng đầu tư hộ gia đình vào thị trường BĐS hiện cũng đang tăng trở lại cùng với sự ấm lại của thị trường BĐS. Khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vào tháng 8 năm nay cho thấy, 24% người được hỏi cho biết có đầu tư vào BĐS, so với khảo sát 6 tháng trước đó, tăng 11 điểm. Điều đó cho thấy, hiện niềm tin vào thị trường BĐS đã hồi phục. Đối với hộ gia đình, thị trường BĐS trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
- 0
- By Admin
- 28/11/2014
- 17