• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hạn chế bất cập khi cho nước ngoài thuê đất rừng

Thuê đất rừng hiệu quả thấp

Theo rà soát của Bộ KHĐT, tính đến tháng 3.2010 là thời điểm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp mới và không ký hợp đồng cho thuê đất đối với các dự án trồng rừng do nhà đầu tư nước ngoài tham gia, cả nước đã có 8 dự án trồng rừng còn hiệu lực. Trong đó, ngoài dự án do Cty TNHH trồng rừng Quy Nhơn Việt Nam 100% vốn của Nhật Bản được cấp phép từ năm 1995, 7 dự án còn lại được các địa phương cấp phép theo quy chế phân cấp cấp phép đầu tư. Hai dự án khác đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép do chậm triển khai tại 2 tỉnh Hoà Bình và Lạng Sơn. Tổng số vốn đầu tư của các dự án theo giấy phép đầu tư là 286,09 triệu USD, trong đó vốn điều lệ của các doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án trồng rừng là 269,49 triệu USD, nhưng thực tế số vốn mới giải ngân là 22,729 triệu USD, tương đương 8,43% tổng vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, các dự án được cấp phép với tổng diện tích đất đặc biệt lớn - 342.126ha. Sau khi có ý kiến phản hồi về phần diện tích chồng lấn của Cty Innov Green Nghệ An, tỉnh Nghệ An đã đưa ra ngoài quy hoạch diện tích đất này, thì diện tích của các dự án trồng rừng được phê duyệt vẫn lên tới 288.974,3ha. Trong số này, diện tích đất thực cấp (đã có quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất giữa chính quyền và nhà đầu tư) chỉ có 18.571ha và diện tích đã đưa vào sử dụng là 15.268ha. Các DN thực tế đã triển khai trồng rừng với khoảng 13.871ha rừng.

Thu hẹp diện tích trồng rừng của nhà ĐTNN

Báo cáo của Bộ KHĐT cũng cho biết, mới đây tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất với đoàn công tác liên ngành của Chính phủ yêu cầu Cty Innov Green Lạng Sơn phải loại bỏ toàn bộ các diện tích thuộc 5 xã biên giới, các khu vực thuê trùng với diện tích dự án trồng rừng 661, chồng lấn với khu vực điểm cao quân sự, cả phần đất rừng tự nhiên sản xuất xen kẽ. Ngoài ra, do doanh nghiệp này đã tự ý trồng rừng, đo đạc, khảo sát trên diện tích đất 632ha, chưa được UBND tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất, vì vậy tỉnh cũng quyết định tới đây DN sẽ phải tự chịu rủi ro nếu diện tích đất này không được cho thuê.

Trước đó, tập đoàn này đã đăng ký vốn đầu tư trồng rừng lên tới 262 triệu USD, nhưng mới giải ngân 8,384 triệu USD, bằng 3,13% tổng vốn đăng ký, nhưng lại được cấp diện tích rừng trồng lên tới 328.000ha, lớn nhất trong số các dự án rừng trồng có vốn ĐTNN được cấp phép. Điều đáng nói là tại Nghệ An, dù diện tích đất dự kiến triển khai trồng rừng khoảng 70.000ha, nhưng UBND tỉnh thực tế cấp phép cho thuê chỉ là 16.843,3ha. Ở đây liên quan đến năng lực thực hiện của nhà đầu tư.

Trước những cảnh báo nghiêm túc về tình trạng cấp phép chồng chéo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, quốc phòng ở nhiều địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ không cấp mới GCNĐT đối với các dự án có vốn ĐTNN trong lĩnh vực trồng rừng. Bên cạnh đó, địa phương phải chủ động phối hợp với cơ quan quốc phòng trên địa bàn rà soát kỹ đối với diện tích đất đã cho thuê tại các dự án trồng rừng có vốn nước ngoài. Trên cơ sở đó thống nhất với nhà đầu tư cần loại bỏ các diện tích nằm trong khu vực biên giới, khu vực quân sự ra khỏi phạm vi dự án. Chỉ cho phép tiếp tục triển khai đối với các diện tích đất đã có quyết định cho thuê của cơ quan có thẩm quyền, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Đối với các diện tích đất chưa có quyết định cho thuê, Chính phủ chỉ đạo sẽ không tiếp tục xem xét cho các DN có vốn ĐTNN thuê đất để trồng rừng. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ buộc phải thực hiện thông qua hình thức liên kết với các hộ dân, các đơn vị được giao đất có thu tiền sử dụng đất trong nước.

(Theo Lao Động)

  • 158
  • By Admin
  • 22/11/2010
  • 17