Ham rẻ, dân liều lĩnh mua cửa hàng trên đất lấn chiếm
Sau khi chạy vạy bạn bè, họ hàng nội, ngoại, bác Nguyễn Văn Thành, thợ sửa xe máy trong phố Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chồng đủ 280 triệu đồng để mua lại cửa hàng mặt đường, rộng gần 8 m2. Đó là nơi bác đã thuê để sửa xe cả chục năm nay, giá gần đây nhất là 2 triệu đồng mỗi tháng. Cửa hàng bé, chật chội lại thuôn dài chứ không vuông vắn nên chỉ đủ để dụng cụ, đồ nghề, còn toàn bộ hoạt động sửa, chữa, bơm vá, bác phải căng bạt khoảng vỉa hè phía trước để làm.Hai bên chỉ viết tay chuyển nhượng miếng đất chứ không có sổ đỏ hay giấy tờ nào kèm theo. Theo bác và những người dân sống quanh đó, mảnh đất đó vốn không thuộc quyền sở hữu của ai. Cách đây hơn chục năm, chủ nhân của cửa hàng đã lấn chiếm, xây dựng, lợp mái tôn rồi mặc nhiên coi đó là của mình, đem cho thuê rồi giờ là bán với giá vài trăm triệu.
Những trường hợp bỏ vài trăm triệu để mua cửa hiệu không giấy tờ như bác Thành không phải hiếm. Chị Vũ Thị Thy, còn đầu tư hẳn 650 triệu đồng, mua cửa hàng rộng khoảng 25 m2, đầu phố Lạc Trung để kinh doanh Cơm - Phở mà không có giấy tờ chứng thực nào ngoài bản chuyển nhượng viết tay, giao kèo giữa hai bên.
Đất tại Hà Nội ở ngõ ngách, sâu hun hút cũng đã lên tới trên dưới 40 triệu đồng, thậm chí cao hơn nên nhiều người bất chấp mua đất không giấy tờ giá rẻ. Ảnh: Hoàng Lan. |
Trên thực tế, đó đều là những cửa hàng không có giấy tờ nên việc mua bán không được cơ quan pháp luật chứng nhận và bảo vệ. Ngay chủ hờ của những cửa hiệu đó cũng không thể chứng thực đó là của mình nên những bản viết tay chỉ là giao ước đôi bên, chứ cũng không có giá trị pháp lý. Sau nhiều năm mặc nhiên tự quây tôn, xây thành, cho thuê, hưởng mỗi tháng vài triệu mà không bị ai phản đối, họ mới tiến bước bán đi thu được món tiền lớn. Còn người mua, nếu không may miếng đất đó rơi vào diện mở đường, giải tỏa mặt bằng thì xem như mất trắng vài trăm triệu đồng.
Biết rõ là như vậy nhưng vì giá những cửa hàng đó có giá rẻ bằng một phần ba, một phần tư so với các cửa hàng hợp pháp nên vẫn không ít người mạo hiểm đầu tư, thậm chí có ý định buôn đo bán lại những mảnh đất lấn chiếm để kiếm lời.
Chị Vũ Thị Thy cho biết để mua một cửa hàng giống của chị mà đầy đủ giấy tờ thì giá không dưới 2 tỷ đồng. Số tiền đó quá lớn, anh chị không thể xoay sở được. Trong khi mỗi tháng, quanh đi quẩn lại mất 3,5 triệu đồng tiền thuê nên anh chị chấp nhận đánh bạc mua chỗ đó.
"650 triệu đồng, tính ra bằng hơn 15 năm thuê nhà. Nhưng nếu may mắn, có thể bán trao tay với giá cao hơn. Giờ, giá nhà đất đắt, địa điểm kinh doanh được mà giá lại vài trăm triệu thì nhiều người cần lắm", chị Thy nói.
Còn bác Thành, sau một tháng giao đủ 280 triệu đồng, nhận lại tờ chuyển nhượng...viết tay thì được tin khu tập thể áp sát đó sắp được đập đi, xây dựng thành chung cư cao tầng. "Hơn nửa số tiền đó là tôi đi vay, định làm rồi trả dần. Mua cũng chỉ để có chỗ làm ổn định, không bị nay dọa đuổi, mai dọa tăng giá. Nhưng kiểu này thì không khéo vỡ nợ", bác Thành xót xa nói.
Trên thực tế hiện nay có nhiều cửa hàng mặt đường được xây dựng từ đất lấn chiếm không giấy tờ. Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho biết, nhiều người sẵn sàng mạo hiểm mua đất dưới dạng viết tay không giấy tờ vì giá bất động sản càng ngày càng cao. Đất tại Hà Nội ở ngõ ngách, sâu hun hút cũng đã lên tới trên dưới 40 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Với mức giá rẻ bằng một nửa, những mảnh đất không giấy tờ là miếng "mồi ngon" cho những ai có màu liều. Việc mua bán chỉ thực thi trên bản viết tay và cũng không có cơ quan nào bảo hộ, song, vì ham rẻ nên vẫn có không ít người đổ xô chồng tiền để mua.
Tuy nhiên, theo ông Hà việc sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để mua một mảnh đất không giấy tờ là một sự mạo hiểm quá lớn. Vì nếu đất nằm trong diện giải tỏa thì người dân sẽ mất cả chỉ lần chài. "Giá đất đền bù sẽ không đáng bao nhiêu so với giá trị thực. Đó là chưa kể nếu mua đất lấn chiếm, tranh chấp, khả năng được đền bù sẽ rất thấp", ông Hà lo ngại.
Luật sư Phạm Đức Giang, Trưởng phòng luật sư BMC cho hay, Luật Đất đai quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ nhưng sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các trường hợp đất lấn chiếm, không giấy tờ nếu nằm trong quy hoạch thì sẽ không được cấp giấy tờ nhà đất. Những nhà có đủ giấy tờ chứng thực mới được nhận đền bù theo quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, theo ông Giang, trường hợp chuyển nhượng đất dưới dạng viết tay không có xác nhận của cơ quan chức năng nếu vướng quy hoạch thì chỉ những người chủ đứng trên trên giấy tờ nhà đất hoặc sổ địa chính mới được đền bù. Như vậy, những người mua sau nếu giao dịch không hợp pháp sẽ trắng tay.
"Do đó, để đảm bảo an toàn, người dân cần phải xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai trước khi chuyển nhượng", ông Giang khuyên.
(Theo VnExpress)
- 0
- By Admin
- 05/09/2011
- 17