Hải Phòng: Vì sao dự án KĐT công nghiệp VSIP vẫn "tắc"?
Dự án VSIP Hải Phòng tổng diện tích 1.600 ha nhưng đến nay mới thực hiện trả tiền đền bù, hỗ trợ được khoảng 400 ha |
Nhằm đảm bảo tiến độ dự án (DA), thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư và Ban giải phóng mặt bằng DA đã nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn. Nhưng vẫn… vướng như gà mắc tóc! Ông Lưu Vũ Quyền - Trợ lý Ban giám đốc DA VSIP Hải Phòng khẳng định: “Việc tạo mặt bằng sạch là điều kiện tiên quyết để thu hút các DA FDI thứ cấp. Mặc dù đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng chưa hoàn thiện, nhưng đã thu hút 2 dự án FDI lớn đến từ Nhật Bản. Đó là nhà máy sản xuất máy photocopy của Kyocera Mita VN với mức vốn đầu tư 187,5 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư và khởi công xây dựng cuối năm 2011 và DA của Cty Zeon VN với mức vốn đăng ký 25 triệu USD sản xuất các sản phẩm cơ khí, thiết bị y tế vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 2/2012.
Đền bù cho ai ?
Theo Thông báo 183/TB-UBND của UBND TP Hải Phòng về việc “Thu hồi đất để thực hiện DA đầu tư xây dựng Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng do Cty TNHH VSIP Hải Phòng làm chủ đầu tư” thì xã Lập Lễ - huyện Thủy Nguyên có 371.292,9m2 nằm trong diện thu hồi. Nhưng hiện nay, công tác kiểm kê đền bù vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là do năm 2004, UBND TP Hải Phòng đã ra Quyết định số 03 chia lại ruộng lâu dài cho nhân dân. Nhưng theo phản ánh của nhân xã Lập Lễ thì UBND xã Lập Lễ đã tự ý rút bớt ruộng của dân, thậm chí không chia ruộng cho dân…Ông Đinh Văn Gận - thôn Lạch Sẻ bức xúc: “Năm 1993, một nhân khẩu được nhà nước giao 14 thước (336m2) và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài là 20 năm. Nhưng sau khi xã thực hiện chia lại ruộng cho dân thì mỗi khẩu bị cắt mất 2 thước ruộng (48m2). Và gần 100 hộ gia đình không được chia ruộng với lý do xã đã trả cho họ bằng đất nuôi trồng thủy sản”.
Còn ông Đinh Khắc Lốp - Thôn Đầu Cầu thì cho hay: “Nhà tôi có 5 khẩu, năm 1994 được nhà nước giao 1.708m2 đất nông nghiệp. Nhưng sau khi dồn điền đổi thửa năm 2004 thì nhà tôi chỉ còn 1.060m2 thiếu hẳn 648m2. Lý do là vì gia đình tôi có con đi du học nước ngoài nên xã “thu hồi” luôn phần ruộng này. Hiện nay, toàn bộ hạn mức đất của gia đình tôi đều rơi vào DA VSIP, không biết rằng gia đình tôi sẽ được đền bù ra sao ?”.
Trước phản ánh của người dân, tại Văn bản số 05/TB-UBND ngày 14/03/2011 của UBND xã Lập Lễ thông báo về việc trả lời đơn kiến nghị của công dân về công tác dồn điền đổi thửa nêu rõ: “Thực hiện nghị định 64 của chính phủ, QĐ 03 của UBND TP. Hải Phòng về việc chia lại ruộng lâu dài cho chia nhân dân, địa phương đã thống nhất chia ruộng cho dân bình quân mỗi khẩu là 360 m2”. Cũng trong văn bản này, khẳng định rằng “tháng 11/2004 thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, địa phương vẫn chia cho mỗi khẩu là 12 thước ruộng nội cấy hai vụ”. Lý do chỉ chia cho nhân dân như vậy là do diện tích còn lại xã “dành quỹ đất công”. Như vậy, UBND xã Lập Lễ đã tự cho mình cái quyền thu hồi 3 thước tức 72m2 trên một nhân khẩu dẫn đến việc Ban GPMB DA VSIP không biết căn cứ vào đâu để lập phương án đền bù.
Gỡ khó thế nào ?
Ông Lưu Vũ Quyền - Trợ lý Ban giám đốc DA VSIP Hải Phòng cho biết: DA VSIP là DA trọng điểm, tổng diện tích 1.600 ha nhưng đến nay mới thực hiện trả tiền đền bù, hỗ trợ được khoảng 400 ha. Năm 2012, TP Hải Phòng đặt ra mục tiêu, DA phải thu hút vốn FDI là 500 triệu USD. Vì vậy, nhu cầu có mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư thứ cấp là vô cùng cấp thiết. Ban GPMB, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên và chủ đầu tư phải quay như chong chóng để tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân xã Lập Lễ, nhiều gia đình có toàn bộ đất nông nghiệp rơi vào DA. Nhưng sau khi dồn điền đổi thửa diện tích của họ không còn đủ như ban đầu như trường hợp gia đình ông Đinh Khắc Lốp - thôn Đầu Cầu. Ngược lại, nhiều gia đình thừa hạn mức đất (đều nằm trong DA). Trong trường hợp này địa chính xã Lập Lễ chỉ đạo các hộ gia đình này thỏa thuận san sẻ ruộng cho nhau để các bên đều đủ định mức đất nông nghiệp và nhận đủ số tiền đền bù.Nhưng ông Nguyễn Văn Viển - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên lại cho biết: Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên không chỉ đạo dân bù hạn mức đất nông nghiệp cho nhau mà để các hộ dân tự thỏa thuận với nhau. Ông cũng cho hay, nếu các hộ dân không tự thỏa thuận được thì Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND huyện Thủy Nguyên sẽ làm tờ trình gửi UBND TP Hải Phòng xem xét, giải quyết.
Ông Hoàng Minh Đức - Phó GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên thừa nhận rằng: Việc GPMB tại xã Lập Lễ hiện nay thật sự “vướng như gà mắc tóc” do sau khi dồn điền đổi thửa thì ruộng của người dân đã bị rũ tung lên. Để lấy căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân xã Lập Lễ, Ban GPMB, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện sẽ căn cứ vào hồ sơ dồn điền đổi thửa mới nhưng trên cơ sở tôn trọng bìa đỏ cũ của dân. Hiện nay, Ban GPMB và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã kết hợp với UBND xã Lập Lễ đã đưa ra dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ giai đoạn 1 ở xã này. Ban quản lý cũng cho niêm yết công khai tại UBND xã Lập Lễ để dân biết và phản hồi lại nhằm đảm bảo quyền lợi đúng cho dân.
Thiết nghĩ, DA VSIP Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD là dự án có vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay tại Hải Phòng hứa hẹn sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm Hải Phòng - đô thị loại 1 cấp quốc gia trở thành đô thị loại đặc biệt và trở thành thành phố quốc tế vào năm 2050. Vì vậy, TP Hải Phòng cần tập trung mọi nguồn lực, cùng nhà đầu tư GPMB nhanh chóng, thu hút đầu tư.
(Theo DĐDN)
- 0
- By Admin
- 14/06/2012
- 17