• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hải Phòng: Nan giải bài toán hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp

Hàng loạt bất cập khiến nhiều dự  án chậm triển khai

Theo qui trình, trước khi mời nhà đầu tư, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo hạ tầng cơ sở như: hệ thống đường giao thông, điện; cấp, thoát nước... Nếu cho phép DN đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, CCN, các cấp có thẩm quyền phải quy hoạch cụ thể sau đó bàn giao mặt bằng "sạch" cho các DN triển khai thi công.

Tuy nhiên, tại Hải Phòng, hai yêu cầu đó chưa được thực hiện một cách đồng bộ mặc dù đất vẫn được giao cho nhà đầu tư. Có thể kể ra một số ví dụ, CCN An Lão (huyện An Lão) có quy mô 70ha, nằm tiếp giáp với sông Đa Độ - sông cung cấp nước thô để sản xuất nước sạch cho Hải Phòng. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích đã lấp đầy nhưng toàn bộ CCN An Lão vẫn "chưa có hạ tầng kỹ thuật".

Hải Phòng: Nan giải bài toán hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp | ảnh 1
Một số doanh nghiệp tại KCN Tràng Duệ đang gặp khó khăn do chưa có mặt bằng sạch.

Đáng ra, CCN này do nằm gần QL10 và sông Đa Độ phải có đường gom, hệ thống thu, xử lý nước thải chung. Nhưng sau gần 8 năm đi vào hoạt động, hầu hết nước thải của các DN tại đây chủ yếu được "xả" thẳng ra sông Đa Độ.

Theo cam kết tại dự án, các cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải, song nhiều cơ sở hiện vẫn chưa có hệ thống này, hoặc có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, cơ sở dệt nhuộm vải sợi Tân Vĩnh Hưng không có giải pháp xử lý nước thải. Công ty Tân Hiệp Pháp sản xuất mút xốp trong giai đoạn vận hành thử xả thải trực tiếp ra sông Đa Độ…

Một trong những điển hình nhất về thực trạng trên phải kể đến KCN Tràng Duệ. Qua tìm hiểu được biết, KCN này được triển khai xây dựng từ 2006, trải dài trên địa bàn 4 xã: Lê Lợi, Hồng Phong, Bắc Sơn, Quốc Tuấn thuộc huyện An Dương, với tổng diện tích trên 349ha được chia làm 2 khu. Trong đó, khu A có diện tích 192,5 ha; khu B có diện tích 143,8 ha và 12,9 ha đất giao thông đối ngoại.

Trước đó, UBND TP Hải Phòng đã triển khai một phần diện tích của KCN, trước khi giao lại việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cho Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP). Đến nay, gần 150 ha mặt bằng giai đoạn 1 của KCN đã được bàn giao. Trên diện tích này, chủ đầu tư đã san lấp phần lớn diện tích thế nhưng nhiều hạng mục xây dựng vẫn trong tình trạng... dở dang.

Tuyến đường trục dài 1,5km mới xây dựng được 1,1km. Diện tích còn lại chưa thể tiếp tục thi công do 8 hộ dân chưa giải phóng xong mặt bằng. Đã 6 năm trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có "phương án" di chuyển 8 hộ dân này.

Ngoài 19 hộ dân ở xã Lê Lợi đã có quyết định cưỡng chế, 5 hộ dân khác chưa có quyết định cưỡng chế và 4 hộ nuôi trồng thủy sản đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu di dời. Mặc dầu vậy, phần diện tích của các hộ này vẫn được "bàn giao" cho chủ đầu tư.

Chính vì thế, mỗi khi nhà đầu tư thứ cấp đến cắm cọc, xây dựng nhà máy, người dân lại kéo ra "giữ đất", cản trở thi công, thậm chí xảy ra xô xát giữa nhân viên Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng với người dân. Cũng tại CCN này, nhiều khu mộ hiện nằm rải rác trong KCN chưa được di dời vì chưa có nơi "tái định cư" cho nghĩa trang …

Hệ lụy buồn cho DN

Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp (CIM) thuê lô đất C6-1 tại KCN Tràng Duệ để xây dựng Nhà máy Thép Tam Bảo. Do liên tục bị người dân cản trở, đến nay DN này không thể triển khai được dự án, đành "ngậm ngùi" chuyển dự án về Hải Dương.

Do phải hủy hợp đồng xây lắp, di dời nhà máy về Hải Dương, công ty đã bị thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Công ty TNHH Hoàng Nam, chuyên sản xuất đồ gỗ đã thuê lô đất D3 - 1 tại KCN Sài Gòn - Hải Phòng. Lô đất này đã được bàn giao nhiều lần nhưng Công ty Hoàng Nam chưa thể thi công.

Lý do được đưa ra là, dù đã được bàn giao nhưng mặt bằng khu vực lại chưa… giải tỏa xong. Đại diện Công ty Hoàng Nam cho biết, nếu trong thời gian gần nhất không có mặt bằng "sạch", họ sẽ chuyển đi nơi khác và SHP phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại của công ty.

Ông Đào Hùng Tiến - Giám đốc SHP than thở: "Chúng tôi đang bàn thảo hợp đồng thuê đất với 7 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Dự kiến, trong quý 1 và đầu quý 2/2011 sẽ trình hồ sơ lên Ban quản lý KKT Hải Phòng để cấp giấy chứng nhận đầu tư một số dự án. Nhưng nếu các vướng mắc của KCN, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng không hoàn tất, hạ tầng sẽ không thể triển khai để cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho nhà đầu tư".

Tương tự, Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Bắc Sông Cấm do Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư với số vốn 1 tỷ USD, diện tích 1.600ha nằm trên địa bàn các xã thuộc huyện Thủy Nguyên, ven bờ Bắc sông Cấm. Đây là dự án có vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay của Hải Phòng.

Theo quy hoạch, đây sẽ là một khu liên hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng, hiện KCN này cũng đang gặp phải vướng mắc: một khu nghĩa trang nằm giữa tuyến đường trục của dự án và hiện vẫn chưa được di dời. Trong khi đó, chủ đầu tư đang rất cần mở rộng tuyến đường này lên quy mô rộng 50,5m.

Những bất cập, hạn chế tại các KCN, CCN của Hải Phòng đang gây ra thiệt thòi cho mỗi DN muốn xây dựng dự án trong KCN, CCN ấy. Điều đáng nói, tình trạng trên đã kéo dài rất lâu nhưng chưa được khắc phục, nếu không nói là ngày càng trầm trọng hơn.

Đến nay, Hải Phòng đã hoàn chỉnh quy hoạch phát triển hàng chục KCN, CCN trên địa bàn thành phố. Nhưng thành tích hoàn chỉnh quy hoạch ấy lại là hạn chế trong việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở cho các nhà đầu tư. Vấn đề là ở chỗ, "vẽ" nhiều quy hoạch trong khi năng lực hoàn chỉnh hạ tầng không được nâng cao sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư và cho chính người dân.

(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 13/06/2011
  • 17