• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hải Phòng: Cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà thầu


Hải Phòng: Cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà thầu | ảnh 1
Nhà thầu đang thi công cầu Thanh An nối Hải Dương và Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hoan

Còn một số vướng mắc

Ông Đỗ Trung Thoại – PCT UBND TP.Hải Phòng - khẳng định: Thành phố xác định dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án quan trọng có quy mô lớn, thuộc dự án công trình trọng điểm của thành phố để tập trung chỉ đạo.

Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay trên toàn tuyến đi qua địa phận Hải Phòng đã cơ bản bàn giao diện tích đất nông nghiệp cho chủ đầu tư dự án đạt 100%. Diện tích đất ở của các hộ dân đã bàn giao cho chủ đầu tư đạt 98%. Tuy nhiên, do vẫn còn một số hộ dân không đồng ý với giá đền bù, hỗ trợ nên còn hiện tượng khiếu kiện, không bàn giao mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Theo đó dự án qua địa phận Hải Phòng được giao cho 4 địa phương là quận Hải An, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, An Lão làm chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB. Những điểm còn vướng mắc nhất hiện nay là  hộ ông Đào Viết Phăng tại đường tránh QL10 trên địa bàn huyện An Lão. Mặc dù đã nhận tiền đền bù nhưng ông này vẫn cản trở và có hành vi đe dọa  nhà thầu thi công. 9 hộ khác trên địa bàn xã Quang Trung chưa nhận tiền bồi thường; về diện tích đất thổ cư còn một số hộ vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù.

Tại quận Dương Kinh còn 4ha chưa triển khai thi công do còn 61 hộ tại phường Hải Thành chưa chịu bàn giao mặt bằng. (Do nguồn gốc đất tại khu vực này được cơ quan chức năng xác định là khu đất trống, người dân đã mua đi bán lại nhiều lần, dẫn đến người dân chưa đồng ý với phương án hỗ trợ). Đây là một vị trí quan trọng nằm trong đường găng tiến độ của dự án do phải xử lý đất yếu, cần thời gian gia tải để thi công dốc cầu vượt kéo dài, cần gấp rút bàn giao cho đơn vị thi công...

Thành phố sẽ bảo vệ nhà thầu thi công

Theo ông Nguyễn Quang Tự - Trưởng Văn phòng đại diện - Cty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) chi nhánh Hải Phòng, diện tích cần GPMB cho dự án đoạn đi qua Hải Phòng là 425ha, trong đó đất thổ cư khoảng 29ha của 1.250 hộ. Ngoài ra, dự án cũng phải giải phóng khoảng 3.400 ngôi mộ, nhiều đường dây điện, các công trình công cộng... Tuyến đường cũng có nhiều cầu vượt sông và 5 cầu vượt cạn với 3 nhà thầu thi công. Dự án cũng đã thực hiện 13 khu tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất.

Nguyên nhân của những khúc mắc trong quá trình GPMB - theo ông Đỗ Trung Thoại - là do diện tích bị giải tỏa rất nhiều, trong khi công tác quản lý đất đai trước đây tại địa phương còn nhiều bất cập nên việc xác định nguồn gốc đất còn nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc xác định phương án bồi thường, hỗ trợ còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Trong khi đó, chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, cộng với việc các nhà thầu đều là người nước ngoài nên việc phối hợp với các cơ quan địa phương trong việc bồi thường thiệt hại vật kiến trúc, hoa màu, nhà cửa... bị hư hại do thi công không được kịp thời và thấu đáo, làm cho người dân một số nơi chưa ủng hộ, cản trở thi công.

Tuy nhiên, ông Thoại khẳng định, UBND TP đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương có đường cao tốc đi qua phải rà soát lại toàn bộ các hồ sơ, thủ tục về thu hồi, bồi thường... để đảm bảo quyền lợi của người dân. Thành phố cũng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, giải quyết những khúc mắc để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đặc biệt chú trọng những vị trí nằm trong đường găng tiến độ của dự án.

Thành phố tiếp tục vận động các hộ dân chấp hành chính sách bồi thường, tái định cư của Nhà nước, đồng thời chuẩn bị sẵn phương án cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện đối với những hộ cố tình không chấp hành. “Đối với những hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ song vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng và cản trở nhà thầu thi công, thành phố sẽ có biện pháp bảo vệ nhà thầu thi công tuyệt đối an toàn và đúng quy định pháp luật” - ông Thoại nói.

Dự án có tổng chiều dài 105km từ Hà Nội, đi qua địa phận các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và TP.Hải Phòng. Mặt cắt ngang của tuyến rộng 100m, mặt đường rộng từ 32,5 - 35m với 6 làn xe chạy, tốc độ thiết kế lên đến 120km/h (xe ôtô dưới 60km/h và xe máy không được vào đường này). Dự án được khởi công xây dựng năm 2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 25.000 tỉ (hiện đã được điều chỉnh) do Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư.

(Theo Laodong)

  • 158
  • By Admin
  • 09/07/2012
  • 17