Hai Bộ "đối đầu" vì "ủy quyền BĐS"
Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đã có quan điểm trái ngược nhau hoàn toàn về việc thu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) với trường hợp "uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản". Trong khi Bộ Xây dựng cho ý kiến "không thu" thì Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) lại có công văn chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội yêu cầu phải thu thuế TNCN với người được ủy quyền chuyển nhượng bất động sản.Bộ Xây dựng: “Không có cơ sở để thu”
Ngày 18/2, Bộ Xây dựng có Công văn số 227/BXD-QLN do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký, cho ý kiến về đề xuất thu thuế TNCN và thu lệ phí trước bạ đối với trường hợp uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản của Bộ Tài chính. Công văn khẳng định: "Không có cơ sở để thu thuế thu nhập cá nhân cũng như thu lệ phí trước bạ của người uỷ quyền và người được uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản".Bộ Xây dựng đưa ra 2 lý do để bảo vệ quan điểm này. Thứ nhất, theo quy định của pháp luật dân sự thì uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản là một dạng giao dịch dân sự. Người có bất động sản có quyền uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện các quyền của chủ sở hữu như: Bán, cho thuê, thế chấp bất động sản... Giao dịch này không làm phát sinh việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản từ người uỷ quyền sang người được uỷ quyền mà chỉ là sự thay đổi chủ thể thực hiện các quyền của chủ sở hữu bất động sản nên không thể thu thuế và phí chuyển nhượng. Thứ hai, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì chỉ những hộ gia đình, cá nhân có chuyển nhượng bất động sản mà không phải là bất động sản duy nhất mới thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân; còn giao dịch uỷ quyền bất động sản không làm thay đổi chủ sở hữu, chủ sử dụng bất động sản, không làm phát sinh thu nhập từ việc uỷ quyền nên không thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tổng cục Thuế: Phải thu!
Sau công văn trên của Bộ Xây dựng, giới kinh doanh bất động sản khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, đến ngày 5/4, Tổng cục Thuế đã có công văn, số 1133/TCT-TNCN chỉ đạo Cục thuế Hà Nội với nội dung hoàn toàn trái ngược. Theo đó, Tổng cục Thuế xác định uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản "thực chất là hoạt động mua bán", do đó người được uỷ quyền phải nộp thuế TNCN. Công văn trên nêu rõ, sau khi tham khảo ý kiến các Bộ liên quan và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau: "Uỷ quyền giao dịch bất động sản là một hoạt động giao dịch dân sự được luật pháp cho phép.Tuy nhiên, việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà uỷ quyền cho cá nhân khác không thuộc đối tượng được miễn thuế (theo quy định của Luật Thuế TNCN - PV) được toàn quyền thực hiện việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt bất động sản của mình bao gồm cả việc cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng... và không phải hoàn trả lại cho Bên uỷ quyền và các lợi ích có được từ hoạt động uỷ quyền; đồng thời Bên được uỷ quyền không nhận thù lao thì thực chất đây là hoạt động mua, bán bất động sản. Do đó người được uỷ quyền phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế TNCN theo quy định của Luật Thuế TNCN".
Lại một lần nữa có sự vênh nhau trong việc luận giải luật giữa các bộ, ngành. Với trường hợp "uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản", đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu ra. Những rủi ro cho người được uỷ quyền chuyển nhượng và những thất thoát thuế từ hoạt động này đã từ lâu được đề cập đến nhưng không hiểu sao nó vẫn tồn tại đến bây giờ. Bộ Xây dựng cũng tỏ ra có lý khi viện dẫn luật để bảo vệ quan điểm không thu thuế hoạt động này.
Tuy nhiên, chỉ đạo của Tổng cục Thuế cũng cho thấy trách nhiệm của cơ quan này với việc đảm bảo một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Trong khi những người có thu nhập từ tiền lương phải "ngậm ngùi" trích nộp thuế thu nhập từ khoản thu nhập không mấy cao của mình, thì đúng thật không công bằng nếu việc chuyển nhượng bất động sản, dưới hình thức này hay khác, thường mang lại thu nhập rất cao lại được "miễn thuế".
Mặt khác, công văn này dành cho Cục Thuế Hà Nội, vậy còn các địa phương khác nơi cũng có không ít hoạt động uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản đang diễn ra, rõ ràng chúng ta vẫn đang có những vấn để còn bỏ lửng.
Theo Bộ Xây dựng, trên thực tế quy định cho phép uỷ quyền giao dịch bất động sản của Luật Dân sự đã bị "lợi dụng để trốn thuế thu nhập cá nhân (mua bán trao tay núp bóng dưới hình thức uỷ quyền) và đã gây ra nhiều rủi ro cho người được uỷ quyền". Vì vậy, Bộ này đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung bộ Luật Dân sự năm 2005 theo hướng: "Không cho phép bên được uỷ quyền được trực tiếp ký hợp đồng với bên thứ ba như hiện nay".
(Theo giadinh.net)
- 0
- By Admin
- 04/05/2011
- 17