Hà Tĩnh: Kinh ngạc chuyện bồi thường 35.000đ/m2 đất nông nghiệp?
Sự thật đáng kinh ngạc
Nhiều tháng qua, hàng trăm hộ dân các xã Thạch Đài, Thạch Tân, huyện Thạch Hà và các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập, Trần Phú, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chạy đôn chạy đáo kêu cứu, vì ruộng đất của họ bị chính quyền giao hết vào tay Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà Miền Trung để xây dựng khu đô thị Hàm Nghi. Trên 102 ha bờ xôi, ruộng mật nằm hai bên đại lộ Hàm Nghi, sẽ là khu đô thị hiện đại nhất TP Hà Tĩnh nhưng giá bồi thường chỉ có 35.000 đồng/m2, tương đương giá một bát cháo lươn? Quả là điều rất đáng kinh ngạc.Một tờ báo cho hay, đất tại khu đô thị Hàm Nghi được nhà đầu tư công bố giá sàn là 10 tỉ đồng/lô? Giới kinh doanh bất động sản cho rằng giá đất khu đô thị này là không dưới 20 triệu đồng/m2. Chúng tôi nhiều lần đến gặp chủ đầu tư để tìm hiểu sự thật nhưng lúc nào nhân viên ở đây cũng nói lãnh đạo đi vắng. Nếu quy đổi giá đất "sản phẩm" là 20 triệu đồng/m2 thì những nông dân ở đây muốn có một lô tái định cư tại chỗ 100 m2, phải có 57.200 m2 ha ruộng. Nghĩa là cùng một vị trí nhưng 572 m2 đất ruộng mới bằng 1m2 đất ở.
Thử làm một phép tính đơn giản, khu đô thị này có 102 ha, trừ diện tích làm đường, trồng cây xanh khoảng 20 ha còn lại 82 ha (820.000 m2). Nếu giá 20 triệu đồng/m2 thì sẽ thu được 16.400 tỉ đồng. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ là 127 tỉ đồng (theo văn bản tính toán ngày 15-12-2010 của Hội đồng Bồi thường - hỗ trợ tái định cư huyện Thạch Hà). Chi phí hạ tầng và thuế các khoản cao lắm cũng khoảng 173 tỉ đồng nữa thì doanh nghiệp được lãi vào khoảng 16 nghìn tỉ đồng?
Thử hỏi nguồn lợi ấy do đâu mà có? Xin thưa: đó là đất "nguyên liệu" của người dân cộng với vốn của nhà đầu tư. Thế mà hàng trăm hộ dân chỉ chia nhau chừng hơn trăm tỉ đồng, trong khi mỗi người buộc phải giao hết ruộng đất, nguồn sống chính vào để được từ 50 - 70 triệu hoặc cao lắm là 100 - 200 triệu đồng, còn doanh nghiệp hưởng trọn phần lãi khổng lồ ấy?
Tại sao giá đất "sản phẩm" bán ra là 20 triệu đồng/m2 hay 10 triệu đồng/m2 mà giá bồi thường đất "nguyên liệu" lại chỉ có 35.000 đồng/m2? Trong khi nhà đầu tư bỏ ra trên dưới 200 tỉ đồng để thu về 16.100 tỉ đồng, còn nông dân bỏ ra tài sản quý giá nhất, lớn nhất là đất đai, là nguồn sống, để làm nên khu đô thị này thì chỉ được mỗi người một hai trăm triệu hoặc năm, bảy chục triệu đồng?
Không quan tâm lợi ích Nhà nước, lợi ích người dân
Làm nông nghiệp ở đây, nếu mỗi khẩu có 500 m2 ruộng là sống tạm ổn nhưng diện tích ấy bị Nhà nước thu hồi chỉ bồi thường 17,5 triệu đồng thì rất vô lí. Giá đất bồi thường đã quá thấp, tiền hỗ trợ lại bị bớt xén. Nghị định 69/2009 ngày 13- 8-2009 của Chính phủ, hướng dẫn hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng từ 1,5 đến 5 lần giá trị bồi thường đất nông nghiệp nhưng tỉnh chỉ cho hỗ trợ đồng loạt bằng 1,8 lần của cái giá 35.000 đồng. Tức là cào bằng tốt xấu nhưng không cào bằng với tỉ lệ 4,8 hoặc 5 lần mà lại cào bằng ở mức thấp là 1,8 lần? Còn đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất ao vườn không được coi là đất ở, Nghị định 69/2009 của Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ từ 20% đến 50% giá đất ở thì tỉnh chỉ cho hỗ trợ 20%.Đất tốt, điều kiện sản xuất càng thuận lợi thì giá bồi thường hỗ trợ càng cao. Luật cho khung hỗ trợ từ tối thiểu đến tối đa thì tỉnh chỉ áp dụng tối thiểu. Nếu ruộng ở đây mà bị đưa xuống cuối "khung" hỗ trợ thì không có đâu được lên đầu "khung"! Nhưng cái để lấy làm căn cứ hỗ trợ là giá bồi thường đất thì bị dìm xuống thật thấp. Xây dựng một khu đô thị hiện đại là cần nhưng không thể bằng mọi giá, càng không thể đẩy hàng trăm hộ dân đến chỗ bần cùng. Vì sao địa phương đã áp đặt giá bồi thường rẻ mạt lại còn tuỳ tiện thay đổi tỉ lệ hỗ trợ mà Nghị định của Chính phủ quy định để o ép người dân?
Xin thưa, bồi thường hỗ trợ càng thấp thì nhà đầu tư càng có lợi. Mà nhà đầu tư có lợi thì những ai có công sẽ được "hậu tạ". Đó là luật bất thành văn. Đúng như đại biểu Quốc hội khoá XI, Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, nguyên Phó Tổng cục trưởng An ninh nông thôn nói: "Quan chức chính quyền không quan tâm đến lợi ích Nhà nước và lợi ích người dân mà chỉ quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp, vì doanh nghiệp được lợi thì quan chức chính quyền được hưởng… Quan chức chính quyền đi đêm với nhà đầu tư để làm giàu trên lưng nông dân…" (trả lời phỏng vấn báo An ninh thế giới đầu tháng 11-2006).
Được biết, UBND huyện Thạch Hà đã có văn bản đề nghị tăng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 1,8 lên 2,5 lần và đã được UBND tỉnh đồng ý nhưng như thế vẫn chưa nghĩa lí gì. UBND huyện này lại tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh tăng thêm giá bồi thường. Nhưng đã nhiều tháng trôi qua mà UBND tỉnh còn… ngâm. Theo chúng tôi, cho dù UBND tỉnh có tăng giá bồi thường lên gấp rưỡi, gấp đôi thì cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản quyền lợi người sử dụng đất, bởi tư duy hẹp với dân mà rộng với nhà đầu tư như đã nói trên.
Dự án Khu đô thị Hàm Nghi là hình thức kinh doanh, vậy tại sao không để nhà đầu tư sang nhận nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 mà chính quyền lại ra quyết định thu hồi rồi áp đặt giá bồi thường rẻ mạt, làm hàng trăm hộ dân khó mà thoát khỏi bị bần cùng.
Thiết nghĩ, lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất phải hài hoà. Quyền lợi người sử dụng cần phải được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
(Theo Người cao tuổi)
- 131
- By Admin
- 20/07/2011
- 17