Hà Tĩnh: Khốn đốn vì...tái định cư
Sau gần ba năm gác thuyền, bỏ ruộng nhường chỗ cho dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương hoạt động, hàng ngàn hộ dân thuộc năm xã ven biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến khu tái định cư sống trong cảnh không có công ăn việc làm và đất đai sản xuất, các công trình xây dựng ở khu tái định cư thì ngổn ngang, xuống cấp do thi công kém chất lượng.
Dân khốn đốn do tái định cư?
Chị Lê Thị Hương (41 tuổi) than: “Về khu tái định cư này, đất sản xuất không có, tiền đền bù được mấy trăm triệu đồng thì mua sổ đỏ, làm nhà, chi tiêu hết. Nay nhà tui có bốn miệng ăn, chỉ biết dựa vào chồng đang đi làm phụ hồ kiếm từng đồng qua ngày”. Cạnh nhà chị Hương, anh Lê Văn Dương cho biết, ở nơi ở cũ, nhờ gần biển lại có đất đai rộng, nên kinh tế gia đình anh ổn định vì vừa làm nghề chài lưới vừa phát triển chăn nuôi, nay lên khu tái định cư, anh Dương không còn đất để chăn nuôi, làm biển cũng không được. “Chừ để có gạo ăn thì phải làm thuê cho các nhà thầu dự án, nhưng kiếm việc làm thuê cũng rất khó, vì việc ít, người thất nghiệp ngày càng nhiều”, anh Dương buồn rầu.Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy chất lượng thi công hệ thống thoát nước không đảm bảo. Ảnh: Hà Anh |
Cùng hoàn cảnh như chị Hương, anh Dương là gần 1.800 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu ở năm khu tái định cư thuộc dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương đang sống trong cảnh không có đất đai để sản xuất và không có nghề nghiệp để kiếm sống. Ông Trần Đình Thành, chủ tịch UBND xã Kỳ Phương nói: “Hiện Nhà nước vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ cho các lao động khi lên đây, cũng như không có một quy ước nào nếu sau này các nhà máy ở khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương đi vào hoạt động thì sẽ tuyển dụng con em địa phương, nên các lao động ở đây không biết khi nào mới có việc làm”.
Theo ông Thành, hiện xã Kỳ Phương có 786 hộ với trên 2.300 nhân khẩu nằm trong khu tái định cư. Trước đây, họ sống nhờ vào nghề biển và ruộng vườn, đất sản xuất cũng nhiều nên cuộc sống tạm ổn định, nhưng khi dời lên khu tái định cư, hầu hết người dân gặp khó khăn vì không có công ăn việc làm ổn định. Đất sản xuất, việc làm không có, nên những người trong độ tuổi lao động hầu như bị thất nghiệp, một số lao động chỉ biết đi làm thuê khoán qua ngày.
Tương tự như xã Kỳ Phương, hàng ngàn người dân các xã khác cũng đang sống trong cảnh bấp bênh, không có việc làm. Mặt khác, chất lượng công trình sau khi đầu tư xây dựng các hạng mục tại các khu tái định cư của đơn vị thi công không đảm bảo chất lượng cũng khiến cuộc sống của người dân thêm vất vả.
Ngổn ngang công trình kém chất lượng
Điện thiếu, nước nhỏ giọt, các hạng mục công trình kém chất lượng nằm ngổn ngang, nhà cửa xói lở xuống cấp… đó là những gì người dân cảm nhận được sau hơn hai năm lên khu tái định cư mới. Nằm bên quốc lộ 1A, phía đông là hàng ngàn hecta đất đang chìm trong nước biển và khói bụi của khu liên hợp gang thép, cảng Sơn Dương và phía tây là khu tái định cư với những ngôi nhà mới xây nằm san sát nhau của người dân năm xã: Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh) nhìn rất bắt mắt. Thế nhưng, khi đến các khu tái định cư này, ai cũng dễ nhận ra là hiện nay hầu hết các hạng mục: điện, nước, hệ thống thoát nước, đường sá tại đây đều có vấn đề về chất lượng.Nhiều hạng mục công trình của nhà thầu tập đoàn xây dựng Xuân Thành (Ninh Bình) đồng loạt xây dựng từ năm 2009 đến nay bị lún sụt, nứt nẻ; các tuyến đường không đảm bảo kỹ thuật, hệ thống bờ taluy bị hở cả hàm ếch, hố chưa có nắp đậy… khiến người dân và chính quyền đang hết sức bức xúc. Ông Nguyễn Hồng Cương, phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên nói: “Chất lượng điện cung cấp cho người dân không đảm bảo, điện chập chờn liên tục, khiến cho tivi, tủ lạnh, máy bơm nước... của người dân thường xuyên bị cháy. Nhiều hố ga không có nắp đậy, còn hệ thống bờ taluy, hố ga được đổ bêtông, nhưng chỉ cần đưa tay gảy nhẹ cũng bung ra cả mảng. Nhiều lúc phát hiện nhà thầu làm sai, chúng tôi lập biên bản, nhiều lần kiến nghị lên ban, lên huyện, nhưng mọi chuyện đến nay vẫn không thấy giải quyết”.
Thực trạng trên khiến người dân luôn sống trong cảnh bất an, hệ thống thoát nước, một trong những hạng mục quan trọng nhất ở khu tái định cư, gần như không thể sử dụng được. Hầu hết các hố ga thoát nước thi công dở dang, một số không có nắp đậy trở thành cái bẫy chết người. Chị Nguyễn Thị Liên, một cư dân ở đây nói: “Nhà tôi có hai con nhỏ. Phải vật lộn kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống đắt đỏ, khó khăn mà ngày nào vợ chồng tui cũng phải chia ra ở nhà để trông con”.
Mặc dù đã có những ý kiến phản ánh của người dân và chính quyền xã, huyện Kỳ Anh lên các ban ngành, UBND tỉnh nhưng đến nay, phía đơn vị thi công (tập đoàn Xuân Thành) vẫn “lơ” trách nhiệm hoàn thiện, sửa chữa, khắc phục các công trình thi công kém chất lượng.
Công trình vẫn dở dang sau năm năm đi vào hoạt động Khu kinh tế Vũng Áng với diện tích gần 23.000 hecta, bao gồm chín xã của huyện Kỳ Anh sẽ được xây dựng và phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Trọng tâm của khu kinh tế là phát triển các ngành công nghiệp liên hợp gang thép gắn với lợi thế về tài nguyên, như mỏ sắt Thạch Khê, cảng nước sâu Vũng Áng, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, khu công nghiệp định hướng xuất khẩu… Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương được triển khai từ tháng 8.2008 tại khu kinh tế Vũng Áng do tập đoàn Formosa của Đài Loan đầu tư với số vốn qua hai giai đoạn gần 15 tỉ USD. Để triển khai dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương, hơn 3.000 hecta của năm xã: Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long và Kỳ Thịnh của huyện Kỳ Anh bị thu hồi, hơn 6.000 lượt hộ bị ảnh hưởng, với gần 15.000 nhân khẩu sẽ phải di dời đến khu tái định cư mới. Nhà nước phải chi khoảng 2.500 tỉ đồng cho việc đền bù giải toả, xây dựng khu tái định cư. Sau năm năm (tháng 7.2006 đến tháng 7.2011) đi vào hoạt động, khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) vẫn đang dở dang với nhiều công trình chưa thể hoàn thành như dự kiến. |
(Theo SGTT)
- 128
- By Admin
- 26/07/2011
- 17