Hà Nội vẫn loay hoay xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Kim Liên - Ô chợ dừa Ảnh: Như Ý |
Điển hình có thể kể đến các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên tuyến đường Vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Dù đây là tuyến đường mới mở, dù đã có chủ trương của thành phố, hướng dẫn thủ tục khá đầy đủ song để có được phương án giải quyết khả thi nhất, chính quyền quận Đống Đa cùng các ngành liên quan đã tốn khá nhiều thời gian. Sở Quy hoạch - Kiến trúc ban hành quy định tạm thời quản lý kiến trúc, xây dựng hai bên tuyến đường, theo đó các ô đất có diện tích còn lại sau giải phóng mặt bằng dưới 4m2, UBND quận thu hồi, xây dựng công trình công cộng như bảng tin, nhà chờ xe buýt, vườn hoa...
Các thửa đất diện tích 4-15m2, có kích thước hình học không hợp lý để sử dụng, chủ công trình lựa chọn một trong hai cách: có thể xây dựng, chỉnh trang tạm với quy mô 1 tầng, cao không quá 4,5m hoặc bàn giao cho chính quyền phục vụ mục đích công cộng.
Với thửa đất diện tích hơn 15m2 nhưng kích thước không hợp lý để sử dụng, chủ công trình cũng chỉ được chỉnh trang tạm quy mô 1 tầng hoặc hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề. Trường hợp diện tích hơn 15m2 có kích thước hợp lý để sử dụng, chủ công trình được cấp phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định, quy định này chỉ áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp chờ triển khai quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường để bảo đảm mỹ quan đô thị, không nhếch nhác.
Chỉ với chiều dài 500m, tuyến đường này có gần 50 công trình thuộc loại siêu mỏng, siêu méo hình thành sau mở đường, trong đó có 9 trường hợp còn lại dưới 4m2, 20 trường hợp 4-15m2. Các trường hợp còn lại hầu hết các hộ tự hợp thửa, hợp khối hoặc chính quyền thu hồi.
Nói như vậy để thấy việc xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại, trong đó nhiều trường hợp tồn tại từ trước khi thành phố ban hành các quy định thu hồi, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vô cùng phức tạp. Không kể những trường hợp nhạy cảm liên quan đến giá trị thửa đất sau khi ra mặt đường, hoặc các hộ ép giá nhau dẫn đến không tự thỏa thuận được thì không ít trường hợp thống nhất rồi nhưng lại vướng thủ tục. Đơn cử như theo quy định tại Quyết định 15/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, khi các hộ hợp khối phải hợp thửa đất về một chủ sử dụng. Trường hợp này phải làm thủ tục công chứng hợp đồng mua bán, nhưng thực tế nhiều trường hợp chỉ có giấy tờ mua bán viết tay nên không thực hiện được.
Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, tuyến Kim Mã - Điện Biên Phủ có 18 trường hợp vướng mắc thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý, trong đó có nhiều thửa là nhà đang thuê của Nhà nước hoặc đan xen giữa nhà thuê của Nhà nước và nhà đã bán theo NĐ 61/CP không xác định được diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng; hoặc diện tích ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng dưới 30m2 theo quy định không thể tách thửa, không thể ký hợp đồng công chứng.
Cũng tuyến này, có trường hợp nhà đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng một trong các đồng sở hữu đã mất, không khai nhận thừa kế, nên không thực hiện được việc chuyển nhượng... Ngoài ra, theo khái toán kinh phí giải quyết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo của 7/9 quận, huyện, số tiền lên tới 255 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều chưa biết bố trí nguồn vốn từ đâu.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương báo cáo dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng để tổng hợp trình thành phố bố trí nguồn thực hiện. Cùng với đó, đề nghị thành phố cho xử lý theo phương án hợp khối không hợp thửa, bảo đảm kiến trúc mặt ngoài thống nhất liền khối về hình thức. Phương án này giảm kinh phí, tránh thủ tục phiền hà khi hợp thửa về một chủ và quan trọng là được người dân đồng thuận.
Theo kế hoạch, trong các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo còn tồn tại có 142 trường hợp phải thu hồi (hiện mới giải quyết được 28 trường hợp); 28 trường hợp cải tạo, chỉnh trang và 22 trường hợp vận động hợp thửa, hợp khối. Nhiều nhất là quận Ba Đình 69 trường hợp, tiếp đến Đống Đa: 28, Hà Đông: 26, Tây Hồ: 23, Hai Bà Trưng: 18... phải thu hồi.
- 0
- By Admin
- 14/07/2014
- 17