Hà Nội thu hồi quá ít dự án "treo"
8 quận có 45 dự án để đất hoang
Dự thảo kết quả giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất của đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, từ năm 2009 đến tháng 6/2012, các ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã xử lý 605 tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Từ năm 2009 đến 2011, đã ban hành quyết định thu hồi đất của 29 tổ chức với diện tích 21,58ha.Khu đất rộng hàng ngàn mét vuông để cỏ mọc gần 5 năm được Thanh tra Hà Nội chỉ ra (ảnh chụp tháng 3/2012) |
Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã lập hồ sơ và công khai danh sách thu hồi đất của 11 tổ chức với diện tích hơn 813ha. Hiện nay, Sở TN&MT đã trình UBND thành phố Hà Nội hồ sơ thu hồi đất của 9/11 tổ chức. 30 tổ chức chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đã bị nhắc nhở và cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án. Có 13 tổ chức được gia hạn lần 2; 6 tổ chức được gia hạn lần 3. Đến nay, thành phố cũng đã thu hồi được 14,84ha của 15 tổ chức.
HĐND thành phố cho rằng, việc lấn chiếm, để hoang hóa sử dụng đất sai mục địch, lãng phí, cho thuê lại sai quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố gây bức xúc trong nhân dân. Thành phố cũng còn nhiều dự án vi phạm các quy định về quản lý đất đai với nhiều hình thức và mức độ khác nhau như không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất được giao không đúng quy định, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính… “Tình hình đó diễn ra ở hầu hết các quận, huyện với diện tích lớn”, đoàn giám sát HĐND thành phố nhấn mạnh.
Chỉ tổng hợp trên 8 quận, huyện mà đoàn giám sát HĐND thành phố đến làm việc trực tiếp có tới 45 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa và chưa có biện pháp khắc phục. Trong đó có một số dự án đã được thành phố kiểm tra, phát hiện từ năm 2009. Cá biệt có dự án vi phạm trên 10 năm nhưng… không được phát hiện.
Theo HĐND thành phố Hà Nội, các dự án chậm triển khai kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi chính đáng của người dân thuộc phạm vi bị thu hồi đất. Việc không được cấp phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… gây bức xúc trong nhân dân.
“Số dựa án vi phạm nhiều nhưng số bị thu hồi quá ít. Nhiều dự án sau khi được gia hạn, thậm chí được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chậm triển khai, không hoàn thành đúng tiến độ”, HĐND thành phố nhấn mạnh.
Buông lỏng quản lý, ngại va chạm
Nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trên, đoàn giám sát HĐND thành phố nhận định, do phải tạm dừng để rà soát quy hoạch sau hợp nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng. Từ năm 2009 đến nay, một số chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Bên trong tường rào một dự án là cỏ mọc tốt um tùm (ảnh chụp tháng 3/2012) |
Bên cạnh đó, đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương còn chưa thường xuyên, sâu sát. “Có nơi còn buông lỏng trong quản lý đất đai và “phá rào” về thủ tục đầu tư xây dựng…”, đoàn giám sát HĐND Hà Nội cho hay.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế. Các tổ chức được thanh tra, kiểm tra chiếm tỷ lệ thấp. Một số nơi chưa quan tâm đúng mức, thiếu tính chủ động, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Việc đôn đốc thực hiện các quyết định thanh tra, kiểm tra còn chưa quyết liệt, công tác hậu kiểm chưa được thực hiện thường xuyên. Hơn nữa, kết quả thực hiện các quyết định thu hồi đất của UBND thành phố đối với dự án chậm triển khai còn hạn chế.
Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội còn cho rằng, việc gia hạn tiến độ thực hiện đối với các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ chưa chặt chẽ về pháp lý, chưa minh bạch về tiêu chí, thủ tục, trình tự thực hiện, thời gian gia hạn… mà chủ yếu theo đề xuất của chủ đầu tư.
Quá trình thu hồi đất bị kéo dài, không đảm bảo nguyên tắc kịp thời, công khai. Hiện nay, cơ chế thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai có vi phạm Luật Đất đai được bồi thường tài sản gắn liền trên đất đang được thực hiện theo trình tự, thủ tục, cơ chế tài chính như bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Điều này cho thấy sự bất cập trong thực tiễn, việc xử lý vi phạm sẽ bị kéo dài, chế tài không có tính răn đe đối với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ, vi phạm, không hợp tác.
(Theo Dân trí)
- 144
- By Admin
- 15/09/2012
- 17