• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội tập trung vào “chiến dịch” GPMB dự án đường vành đai 3

Hà Nội tập trung vào “chiến dịch” GPMB dự án đường vành đai 3    

Một đoạn đường Vành đai 3 đã hoàn thành

Tuy nhiên, do triển khai trong một thời gian dài, nhiều cơ chế chính sách thay đổi, nhiều bất cập phát sinh, nên dự án đã bị chậm tiến độ nặng nề, bộc lộ trong cả công tác GPMB và thi công dự án.

 

Chiều ngày 3/12, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo trong buổi làm việc với một số  cơ quan, ban ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Vành đai 3 (Mai Dịch – Pháp Vân), nút giao Thanh Xuân, nút Mai Dịch và gói thầu 3A dự án cầu Thanh Trì.

 

Loay hoay nhiều năm vì… GPMB

 

Ông Nguyễn Văn Biền – Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết: việc đầu tư dự án xây dựng giai đoạn 1, đoạn Mai Dịch – Pháp Vân thuộc dự án đường Vành đai 3, TP Hà Nội, đã được khởi động từ năm 2001, theo Quyết định số 597/QĐ-TTg ngày 16/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo đó, UBND TP đã ban hành Quyết định số 4664/QĐ-UB ngày 17/8/2001 và Quyết định số 5593/QĐ-UB ngày 21/9/2001 về việc thu hồi và tạm giao đất tại các quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, huyện Thanh Trì cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) để thực hiện dự án xây dựng giai đoạn 1.

 

Theo đó, ở dự án đường vành đai 3 này có các dự án thành phần như dự án xây Cầu cạn Pháp Vân; dự án đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – Pháp Vân) đi qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì; dự án đường Vành đai 3 và nút giao trên địa bàn quận Thanh Xuân.

 

Ở dự án xây Cầu cạn Pháp Vân, ngày 31/1/2008, UBND TP đã có Quyết định số 556/QĐ-UB về việc thu hồi 66.800m2 đất tại các phường Hoàng Liệt, Đại Kim, quận Hoàng Mai giao cho Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện dự án xây dựng Cầu cạn Pháp Vân kéo dài – dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam Vành đai III. Hiện nay tại phường Hoàng Liệt, các cơ quan chức năng đang công khai phương án với 44 hộ dân có đất nông nghiệp: đang xác nhận nguồn gốc đất với 47 hộ đất nông nghiệp mặt nước; xác nhận nguồn gốc 54 hộ đất ở; chưa kê khai diện tích do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đang quản lý. Ở phường Đại Kim, cơ quan chức năng cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ lập phương án phần tài sản trên diện tích đất HUD đang quản lý (4.400m2); và bắt đầu kê khai phần diện tích đất công.

 

Ở dự án đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – Pháp Vân), đoạn qua xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, hiện còn 29 hộ trong diện GPMB; đoạn qua phường Đại Kim, quận Hoàng Mai có liên quan đến việc di chuyển 1289 ngôi mộ thuộc Nghĩa Trang Đại Kim, hiện đã di chuyển được 910 hộ sang Nghĩa Trang Đại Kim mới.

 

Vướng mắc về GPMB lớn nhất trong việc thực hiện dự án đường Vành đai 3 hiện nay là ở Nút giao Thanh Xuân. Đặc biệt, sau khi Hà Nội hợp nhất, UBND TP đã ban hành Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, việc thực hiện Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 17/7/2008 của UBND TP về việc phê duyệt một số chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án đường Vành đai 3 không còn có hiệu lực pháp lý, do đó quận Thanh Xuân không phê duyệt phương án cho các hộ dân đã công khai phương án (khoảng 90 phương án của 3 phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam). Hơn nữa, giá nhà tái định cư thực hiện theo Quyết định 137 trước đây và Quyết định 18 hiện nay được xây dựng cụ thể cho từng dự án cao gần gấp 2 lần so với giá tái định cư đã áp dụng cho các hộ dân đã di chuyển trước (theo giá tại Quyết định 15). Giá bồi thường tài sản vật kiến trúc có tăng, tuy nhiên các hộ thuộc dự án Vành đai 3 nút giao Thanh Xuân đa phần đang sử dụng nhà cấp 4 nên mức bồi thường về tài sản theo Quyết định số 40 mới của UBND có tăng nhưng mức tăng không bằng giá nhà tái định cư. Đồng thời, những trường hợp có cùng nguồn gốc sử dụng đất như các hộ trước đây đã di chuyển nay phải mua nhà tái định cư nhân với hệ số 1,2 theo quy định… gây khiếu kiện, thắc mắc cho các hộ dân.

 

Ban hành cơ chế đặc thù, HN quyết hoàn tất nốt GPMB trong 60 ngày

 

Để giải quyết những vướng mắc trên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, trong thời gian tới các cơ quan, ban ngành của Thành phố sẽ phải tập trung quyết liệt vào công tác GPMB. Với những hộ trong diện GPMB còn lại trên địa bàn quận Thanh Xuân, thành phố đồng ý thực hiện theo cơ chế đặc thù, tức là rút ngắn quy trình GPMB xuống còn 60 ngày (bắt đầu từ ngày 3/12/2008- 3/2/2009); để kịp bàn giao cho Ban quản lý dự án Thăng Long có mặt bằng sạch để thi công. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng lưu ý, Ban quản lý dự án Thăng Long, ngay sau khi có mặt bằng phải thi công ngay, tránh tình trạng để người dân tái lấn chiếm.

 

Mặt khác, liên quan đến vấn đề “nóng” nhất là giá nhà đền bù, Chủ tịch nhất trí với đề xuất của ông Nguyễn Văn Biền – Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP là áp dụng theo Quyết định số 15 và giữ nguyên hệ số 1,2. Các cơ quan chức năng sẽ phải có trách nhiệm giải thích cho người dân hiểu rõ chính sách trên. Đến ngày 15/12, các ngành phải báo cáo UBND TP để quyết định cụ thể về giá đền bù. Riêng về quỹ nhà tái định cư, Chủ tịch giao cho Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Công ty số 6 bàn giao nhà, giữ đúng cam kết, nếu không sẽ phạt hợp đồng và chuyển chủ đầu tư khác.

 

Bên cạnh đó, với những hộ dân (đa phần sử dụng theo hình thức thuê đất, lấn chiếm, tự chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở…), chây ì không thực hiện chính sách GPMB của Thành phố, khiếu kiện kéo dài, sẽ bị các cơ quan chức năng cưỡng chế.

 

Riêng với Quận Hoàng Mai, Chủ tịch giao trách nhiệm cho quận phải hoàn tất công tác GPMB, liên quan đến cả việc di chuyển các phần mộ thuộc Nghĩa trang Đại Kim, đất nông nghiệp, đất ở, hoàn tất trong tháng 1/2009. Còn với huyện Thanh Trì, phải tích cực vận động 29 hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng và chuyển đi tạm cư trước Tết Nguyên đán; áp dụng chính sách thưởng tiến độ cho những hộ dân chấp hành tốt.

 

Ngoài ra, ở nút Mai Dịch, thuộc quận Cầu Giấy, Chủ tịch giao trách nhiệm cho Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Quận Cầu Giấy phấn đấu đến ngày 15/2/2009 phải hoàn thành việc chuyển bà con đi tạm cư và giao đất cho đơn vị thi công.

 

“Thời gian đến năm 2010, là thời điểm phải hoàn thành dự án đường Vành đai 3 không còn dài, chỉ còn hơn 600 ngày nữa, nên thành phố Hà Nội quyết tâm tập trung vào “chiến dịch” GPMB, áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh việc GPMB, tạo đất sạch cho đơn vị thi công” – Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh. Hà Nội đang nỗ lực để dự án đường Vành đai 3 sẽ không lỗi hẹn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, xứng đáng là công trình giao thông hiện đại của Thủ đô.

Theo Hà Nội Mới

  • 201
  • By Admin
  • 04/12/2008
  • 17